10 sự kiện công nghệ thông tin tiêu biểu nhất năm 2016

Đứng đầu danh sách năm nay chính là việc Vietnam Airline và một số sân bay tại Việt Nam bị tấn công.

Mới đây, Câu lạc bộ Nhà Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam ( ICT Press Club) tổ chức công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2016.

Trong năm vừa qua, nổi bật nhất chính là những cuộc tấn công mạng vào sân bay, ngân hàng tại Việt Nam. Ngoài ra những sự kiện liên quan tới cộng đồng khởi nghiệp cũng được chú ý.

Sau đây là 10 sự kiện ICT tiêu biểu trong năm.

1. Các cảng hàng không và Vietnam Airlines bị hacker tấn công

Hồi 14 giờ ngày 29/7, các màn hình tại quầy làm thủ tục của Vietjet tại Tân Sơn Nhất và Vietnam Airline ở Nội Bài xuất hiện các nội dung xuyên tạc về chủ quyền biển Đông. Hệ thống máy tính tại các quầy thủ tục cũng ngừng hoạt động. Hệ thống loa của sân bay cũng bị khống chế. Dữ liệu cá nhân của 400.000 hành khách trong chương trình Golden Lotus của Vietnam Airline bị phát tán.

Trong ngày hôm đó, toàn bộ hoạt động làm thủ tục cho hành khách tại các sân bay bị tấn công đều phải thực hiện bằng tay. Dù được xác định vụ tấn công này không xâm nhập được vào hệ thống trọng yếu bên trong và an toàn bay nhưng có thể tháy mức độ sẵn sàng của các hệ thống trước nguy cơ bị tán công mạng vẫn quá yếu kém.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép 4G cho các nhà mạng

Trên thực tế thì Việt Nam là nước cuối cùng trong khu vực triển khai 4G. Hiện có 4 nhà mạng đã được cấp phép bao gồm VNPT, Viettel, MobiFone và Gtel với băng tần 1800 Mhz. Duy nhất chỉ có mạng Vietnamobile chưa có giấy phép 4G.

3. Thủ tướng đề nghị bỏ Điều 292 - Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông

Điều 292 của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông được cộng đồng khởi nghiệp cho rằng là “rào cản” đối với sức sáng tạo của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhiều doanh nghiệp có thể vi phạm và bị hình sự hóa.

Các doanh nghiệp và hiệp hội nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin cũng đã lên tiếng đề nghị bỏ hoặc sửa đổi điều 292. Tới ngày 21/10, tại Kỳ hợp thứ 2 của Quốc hộ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã trình dự án Luật sửa đổi, bỏ điều 292.

4. Sam Media “móc túi” người dùng di động tại Việt Nam 230 tỷ đồng

Tháng 9/2016 Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội đã phát hiện Sam Media hợp tác với 3 công ty Việt Nam cung cấp dịch vụ nội dung cho nhiều khách hàng của Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile. Tuy nhiên người dùng lại không hề biết họ đang sử dụng dịch vụ và bị trừ tiền cước.

Tới ngày 19/7/2016, tổng số khách hàng đã sử dụng dịch vụ là 93.735 và số tiền bị mất vào khoảng 230,5 tỷ đồng. Sau đó, các nhà mạng cũng đã ngừng hợp đồng với Sam Media, các thuê bao di động cũng phải kiểm tra lại thuê bao của mình có đang sử dụng dịch vụ lạ nào không?

5. Các ngân hàng lớn bị hacker tấn công

Tháng 5/2016, TPBank suýt bị hacker quốc tế lừa đảo lấy 1,13 triệu USD tuy nhiên ngân hàng dã kịp phát hiện và ngăn chặn việc chuyển tiền của tin tặc. Tháng 8/2016, khách hàng của Vietcombank (VCB) đã phát hiện tài khoản của mình bị mất 500 triệu đồng. Theo VCB, có thể khách hàng đã bị hacker tấn công lấy mật khẩu Internet Banking để chuyển tiền.

6. 15 triệu SIM di động trả trước kích hoạt sẵn bị khóa và thu hồi

Đây là lần đầu tiên cả 5 nhà mạng viễn thông trong nước đã dùng các biện pháp kỹ thuật để kiểm tra chéo việc khóa SIM kích hoạt sai quy định của nhau để đảm bảo công bằng khách quan. Đây là quyết tâm của Bộ TT&TT trong việc xử lý SIM đăng ký sai quy định, xử lý triệt để vấn đề tin nhắn rác.

7. Bộ TT&TT đổi mã vùng điện thoại cố định

Sau gần 2 năm ban hình Quy hoạch đầu số mới, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức công bố lộ trình chuyển đổi mã vùng điện thoại cố đinh.

Việc chuyển đổi mã vùng cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định đối với người dùng trong một thời gian ngắn, một số tổ chức, cá nhân cũng chịu sự tác động là có thể phải làm lại các sản phẩm có gắn với mã vùng. Tuy nhiên các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp viễn thông đều khẳng định sẽ triển khai nhiều biện pháp giảm thiểu các tác động đến khách hàng.

8. Năm 2016 được chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp

Năm 2016 được Chính phủ chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp. Thông thường các doanh nghiệp khởi nghiệp chọn lĩnh vực công nghệ cao vì có thể dùng chất xám để phát triển nhanh đem lại giá trị cao.

Thủ tướng Nguyến Xuân Phúc khẳng định, thúc đẩy khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp là con đường nhanh nhất để phát triển lực lượng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao và tạo những nhân tố phát triển đột phá trong nền kinh tế số.

9. Luật An toàn thông tin mạng chính thức có hiệu lực từ 1/7/2016

Với 8 chương 54 điều, Luật An toàn thông tin mạng đề cập đến nhiều vấn đề mới trong lĩnh vực này hiện nay như phát tán tin nhắn rác, thu thập, phát tán thông tin cá nhân trái phép.

10. Việt Nam, Lào, Campuchia xóa bỏ cước chuyển vùng

Hiện cước cuộc gọi của Viettel tại 3 nước sẽ ở mức tương đương giá cuộc gọi trong nước.

Đây là lần đầu tiên một khu vực kinh tế trên thế giới xóa bỏ cước chuyển vùng cuộc gọi.

Trước đây các nước ASEAN và EU cũng đã bàn về chính sách này nhưng tới nay vẫn chưa thực hiện được.

Tùng Linh

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/cong-nghe/10-su-kien-cong-nghe-thong-tin-tieu-bieu-nhat-nam-2016-2338178.html