10 phút khắc nghiệt trong mỗi tuần lễ thời trang

Mỗi show diễn thời trang của một BST chỉ kéo dài khoảng 10 phút, nhưng để có show diễn hoàn hảo, các nhà mốt không ngại đổ tiền bạc, công sức. Đối với họ, đây là cách để khẳng định đẳng cấp quốc tế của mình.

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn

Mỗi lần ra mắt BST, các nhà mốt lại đau đầu trước nạn bị "chôm", "xào" mẫu thiết kế.

Cùng với sự bùng nổ của công nghệ số, vài phút sau khi một show diễn thời trang kết thúc, hình ảnh của show đã xuất hiện đầy trên các trang mạng. Giới mộ điệu nhờ đó mà nhanh chóng cập nhật những thiết kế mới nhất từ các hãng thời trang.

Thế nhưng cũng như một đồng xu có mặt sấp, mặt ngửa, điều này cũng gây phiền toái không nhỏ cho những người làm công việc sáng tạo. Giới làm hàng nhái cũng nhanh chóng làm ra những món hàng y hệt hoặc tương tự. Thậm chí họ còn tung ra thị trường trước khi các nhà mốt kịp đóng đơn đặt hàng từ đại lý.

Tuy nhiên, vỏ quýt dày sẽ có móng tay nhọn. Giờ đây hầu hết những show diễn tại các tuần lễ thời trang chỉ mang tính chất quảng cáo cho thương hiệu. Những gì cần chào hàng, tức những sản phẩm sẽ đưa ra thị trường và đi vào tủ đồ của các fashionista thường nằm ở các show tiền sưu tập (pre-collection). Ở sự kiện chỉ dành riêng cho các đại lý này, nhà tạo mốt giới thiệu những mẫu không quá đắt tiền, công phu và rườm rà như mẫu đem ra trình diễn sau đó ở tuần lễ thời trang.

Sau khi sự kiện giới thiệu pre-collection kết thúc, buổi diễn tại tuần lễ thời trang cho cánh nhà báo đậm tính sân khấu mới bắt đầu. Người ngoài cuộc có thể cho rằng các nhà tạo mốt chắc bị điên, làm việc quần quật suốt sáu tháng chỉ để có được 10 phút trên sàn diễn, đôi khi chỉ là để giới thiệu những bộ sưu tập không thể mặc được. Thế nhưng 10 phút đó thực sự quan trọng.

Điều gì làm nên một show diễn thành công?

Sự có mặt của các ngôi sao hạng A trên hàng ghế đầu là tối quan trọng với mỗi show diễn.

Ở show diễn chính tại tuần lễ thời trang, trang phục đẹp thôi chưa đủ mà phải ấn tượng. Đây là nơi để biến một thứ đẹp trở nên “hot” thực sự. Người ta sẽ nhìn vào cách thiết kế sân khấu có bắt mắt hay không, những người mẫu nào được thuê để biểu diễn, những ngôi sao nào ngồi ở hàng ghế đầu , tổng biên tập tạp chí Vogue Mỹ Anna Wintour có cái nhìn hài lòng hay không, v.v... để đánh giá show diễn đó. Buổi diễn sẽ là cách quảng bá hữu hiệu đối với một nhà thiết kế. Chỉ cần đầu tư một vào 10 phút này, bạn có thể sẽ được đền đáp lại gấp mười, gấp trăm lần. Đơn giản vì các hình ảnh phủ sóng rộng khắp trên các mặt báo, tạp chí, truyền hình có thể khiến một nhà mốt không cần mua quảng cáo cả năm mà vẫn hiệu quả.

Sự có mặt của Anna Wintour là điều đảm bảo cho việc thành công của show diễn.

Đương nhiên các nhà thiết kế thời trang không hoàn toàn tự mình dàn dựng nên show diễn. Những người chuyên tổ chức sự kiện và thiết kế biểu diễn sẽ giúp họ làm nên một “bữa tiệc thời trang” hoàn hảo. Công ty Eyesight tại Paris là nơi được các tên tuổi như Carachel, Chlóe, Dior Homme, Paul & Joe, Sonia Rykiel và Yves Saint Laurent chọn mặt gửi vàng. Công việc của họ bao gồm: chọn người mẫu, tổ chức thử đồ, sắp xếp thứ tự ra sân khấu, phối phụ kiện, liên lạc với stylist, chuyên gia làm tóc, trang điểm, dàn dựng âm thanh, ánh sáng, bố trí an ninh, sắp xếp vị trí chỗ ngồi cho khách và phục vụ ẩm thực, nước uống. Những người tổ chức sự kiện như họ còn có nhiệm vụ “dẫn dụ” các nhân vật nổi tiếng đến buổi diễn. Có ngôi sao đồng ý đến dự vì yêu thích nhưng cũng có người phải được trả tiền mới chịu xuất hiện. Công việc này đòi hỏi sự khéo léo và mối quan hệ của người tổ chức.

Thử thách lớn nhất cho các công ty như Eyesight là tạo nên “cảm xúc” cho show diễn. Thierry Dreyfus là một nhà thiết kế ánh sáng hợp tác với Eyesight. Anh được trả tiền cho việc thiết kế ánh sáng để bộ sưu tập không những trong đẹp khán phòng mà còn đẹp khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Anh cho biết: “Mọi chi tiết đều rất quan trọng. Khi dàn dựng ánh sáng sẽ phải có thủ thuật để đảm bảo mọi hình ảnh chụp lên báo đều lung linh. Mỗi nhà tạo mốt muốn bất kỳ ai khi nhìn vào một hình ảnh trong show diễn đều có thể ngay lập tức hình dung được thiết kế đặc trưng của họ”.

Để có được 10 phút thành công trên sân khấu, toàn bộ ê-kíp gồm người mẫu, chuyên viên trang điểm, stylist... phải hoạt động hết công suất ở hậu trường.

Thế nhưng, nhiệm vụ lớn nhất vẫn là phải làm bật lên các thiết kế này trên cơ thể người mẫu. Do áp lực phải tạo được ấn tượng mạnh nên họ cần thêm nhiều “gia vị” để show diễn thêm phần kịch tính. Những thủ thuật sân khấu hiệu quả của người tổ chức sẽ là thứ mà những biên tập viên thời trang và các ngôi sao nhớ về bộ sưu tập hơn.

Thierry Dreyfus không tiết lộ giá làm hiệu ứng sân khấu cho một buổi diễn nhưng ước tính có thể con số đó ở mức từ 20.000 đến 100.000 bảng Anh. Anh chỉ chia sẻ: “Nếu bạn là một nhà thiết kế trẻ, tôi khuyên không nên làm show. Hãy thuê một showroom, nhờ vài người bạn làm người mẫu cho bộ sưu tập và cố gắng tận dụng mối quan hệ với báo chí. Kể cả khi bạn có thể thương lượng với một agency người mẫu để thuê mỗi cô với giá 800 Euro, thậm chí còn được các chuyên gia tóc và trang điểm tài trợ và có thể thuê được một địa điểm rẻ thì show diễn vẫn sẽ thiếu tính chuyên nghiệp và ngốn cả một gia tài. Hãy đợi cho đến khi bạn có đủ khả năng thực sự”.

Thế lực đằng sau show diễn thời trang

Các show của Chanel luôn thu hút vì sự đầu tư công phu.

Giới thời trang ngầm quan niệm dù là một thiên tài ở London nhưng chỉ đến khi có show ở Paris, nhà tạo mốt mới thực sự đạt được đẳng cấp quốc tế. Thế nhưng để được phép trình diễn tại Paris là chuyện khó chẳng khác gì gia nhập hội kín.

Trước hết, bạn phải trở thành thành viên một tổ chức danh giá. Muốn đạt được nguyện vọng này, bạn cần được báo chí đánh giá cao, có các thiết kế được những đại lý trên thế giới đặt hàng để chứng tỏ tiềm năng kinh doanh và bạn cần sự bảo trợ, giới thiệu từ một nhà tạo mốt tên tuổi hoặc lãnh đạo một hãng thời trang lớn.

Tổ chức đó chỉ có thể là Fédération FranCaise de la Couture du Prêt-à-Porter des Coutuiers et des Creáteurs de Mode, một tổ chức tối cao điều hành việc trình diễn các bộ sưu tập ở Paris. Ngoài chức năng tổ chức Tuần lễ Thời trang Paris, tổ chức này còn đào tạo và tạo điều kiện làm việc cho các nhà thiết kế có tài, đại diện cho thời trang Pháp tại nước ngoài, đấu tranh chống hàng giả, nhái mẫu thiết kế.

“Ông trùm” này còn lên lịch cho hàng trăm show diễn và chỉ định địa điểm tổ chức. Điều này đã có từ những năm 1970, khi có quy định tất cả các nhà thiết kế phải trình diễn bộ sưu tập ở những địa điểm gần nhau. Mục đích của điều này là để công chúng có cái nhìn toàn cảnh về thiết kế mới của giới tạo mốt đồng thời cũng là để các phóng viên tiện di chuyển, làm việc.

Show của Kenzo tại Tuần lễ thời trang Paris vừa qua.

Tổ chức này dành cho các nhà thiết kế nổi tiếng những địa điểm nhất định vì ở thủ đô Paris không có nhiều nơi đủ sức chứa đến 1.500 người và thỏa mãn các yêu cầu về an ninh cũng như khâu tổ chức. Lâu nay cung điện Louvre đóng vai trò là trung tâm trình diễn các bộ sưu tập với hai gian phòng lớn nằm cạnh sảnh, có sức chứa từ 1.200 đến 1.500 người. Bên cạnh đó còn có một căn lều lớn dựng tạm trong thời gian diễn ra sự kiện trong khu vườn Tuileries đủ chỗ ngồi cho 1.200 người. Ngoài ra, các địa điểm nhỏ hơn cũng rải rác khắp thành phố nhưng chỉ cần một chuyến taxi ngắn từ Louvre là bạn đã có thể tới nơi.

Mỗi nhà mốt thành viên đều đã có lịch diễn cố định từ năm này qua năm khác và không hãng nào có thể “xí” của nhau được. Chỉ có ngoại lệ là khi một hãng nào đó quyết định không diễn một hoặc vài mùa thì hãng khác mới có thể diễn lấp vào khoảng trống đó. Thông thường, ngày đầu tiên sẽ dành cho những thương hiệu mới, những ngày giữa và cuối sự kiện các nhà mốt tầm cỡ mới xuất hiện.

Thời trang đang dần muốn khẳng định mình là một nghệ thuật mà muốn đạt được điều đó trước tiên nó phải thể hiện trên sàn catwalk. Thế nên việc chăm chút cho từng khâu dàn dựng, tổ chức như người nghệ sỹ tỉ mỉ với đứa con tinh thần của mình cũng là điều hiển nhiên.

Theo Her World Việt Nam

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thoi-trang/10-phut-khac-nghiet-trong-moi-tuan-le-thoi-trang/a313774.html