10 năm xây tình hữu nghị trên đất bạn

Nhớ Tết đầu tiên trên cao nguyên

(Cadn.com.vn) - Công ty TNHH MTV Hữu Nghị Nam Lào (Quân khu 5) đang hướng đến kỷ niệm 10 năm ngày thành lập (21/11/2006 - 21/11-2016). 10 năm đứng chân trên đất bạn Lào, Công ty đã viết nên câu chuyện đẹp về tình đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc.

Thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ Lào và Việt Nam về phối hợp hoạt động triển khai đầu tư xây dựng cụm bản phát triển trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Công ty Hữu nghị Nam Lào ngày nay là Công ty TNHHMTV Hữu Nghị Nam Lào được thành lập. Sau 3 tháng tập huấn học tập chính trị, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đầu tháng 12-2006 đơn vị hành quân sang đất nước Triệu Voi.

"Kỷ niệm nhiều lắm, làm sao nói hết!", Đại úy QNCN Nguyễn Xuân Hưng, nhân viên phiên dịch trầm tư. Ngày mới qua, tất cả ở nhờ Tiểu đoàn 18, Sư đoàn 5 của Bạn, sau đó một tuần thì dựng nhà bạt. Mọi người đều ngủ võng để tránh rắn rết. Tết Nguyên đán năm đó gần như cắm trại 100%. Nơi ăn ở thì tạm bợ, điện máy nổ chỉ chạy một vài tiếng ban đêm; điện thoại di động không liên lạc được. Xung quanh dân cư thưa thớt, có muốn đi cũng không biết chơi đâu. Nhớ nhà và nhớ ánh điện lung linh ở Việt Nam vô cùng. Tuy nhiên đã được quán triệt trước lúc lên đường nên anh em quyết tâm vượt mọi khó khăn. Các cơ quan chia nhau trang trí bàn thờ, đi chặt lá dong, mua heo về mổ nấu bánh chưng, tổ chức các trò chơi. Sư đoàn 5 và các đơn vị của Bạn đến thăm chúc Tết, tặng bánh kẹo rất vui. Sau này việc ăn Tết trên đất Bạn đã trở thành bình thường. Có anh đã có đến 6 cái Tết ở xứ hoa chăm-pa. Từ chỗ chỉ biết vài từ giao tiếp thông thường ngày mới qua, ai cũng chịu khó học tập nên dần dần, mọi vấn đề trao đổi với cán bộ của Bạn hay tham gia đi vận động nhân dân vùng sâu, vùng xa về cụm bản mới rất hiệu quả. Bị cuốn hút vào công việc, anh em khuây khỏa nỗi nhớ quê. Mà muốn về cũng không dễ bởi phương tiện từ Lào qua Việt Nam hồi đó rất ít. Bắt xe từ sáng sớm đến Ngã ba biên giới Ngọc Hồi lại tiếp tục sang xe khác, về đến Đà Nẵng phải 10 đêm đã là chuyện bình thường. Cực nhất là dịp Tết, đón xe rất khổ. Không hiếm trường hợp đi từ trước Tết nhưng mãi đến mồng 1 mới về được với gia đình. Có người bị móc túi, mất sạch tiền. Vì thế mà nhiều anh vợ con ngoài Bắc, mỗi năm chỉ về một đến hai lần. Đặc biệt là những anh ở nông trường cao su, không mấy khi ra khỏi tán rừng. Chuyện gia đình có người vì thế cũng trục trặc do xa cách. Đặc biệt, có anh, con bị bệnh bẩm sinh đã lâu nhưng cũng không có điều kiện chăm sóc con nhiều hơn.

Ban Giám đốc Công ty chụp ảnh lưu niệm cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
và nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bên Đài Tưởng niệm Liên minh chiến đấu Việt- Lào tại tỉnh Chămpasăc (2016).

Thông Kà Lổng không còn hoang vắng

Thông Kà Lổng huyện Pắk Sòng, tỉnh Chămpasăc, tiếng Lào có nghĩa là "Đồng rừng hoang vắng". Nhưng nay đã khác. Cả cụm bản như rạng rỡ hơn trong cái nắng dịu dàng đầu mùa khô. Con đường đất đỏ phẳng lì vắt qua những vườn cao su, cà-phê tươi tốt và dãy nhà mới trị giá vài trăm triệu kíp. Hòa trong màu nắng là màu vàng tươi sáng quen thuộc, gần gũi của cán bộ, nhân viên Công ty Hữu Nghị Nam Lào. Thiếu tá Hoàng Văn Sơn, Đội trưởng Đội cụm bản Thông Kà Lổng, một trong những người đầu tiên qua Chămpasăc vẫn nhớ như in những ngày gian khó. Nhân dân ở đây phần lớn là người dân tộc thiểu số La Vên, Tà Ôi, Nha Hớn nhiều đời nay sống ở vùng sâu, vùng xa, tập quán lạc hậu, du canh du cư, có nơi chủ yếu sản xuất tự cung, tự cấp, tỉ lệ đói nghèo ở mức cao. Bộ đội vừa mới qua đã chạm ngay cái rét cắt da cắt thịt, đường đất nhão nhoét, đi một đoạn lại phải xuống đẩy xe. Vất vả là vậy nhưng không ai nản chí. Mỗi một ngày mới, nhìn về phương Đông, càng thấy trách nhiệm lớn lao với Tổ quốc mình, với vợ con đang dõi mắt nhìn theo. Vậy là chỉ trong vòng 2 năm từ 2007-2009, dự án trị giá 38 tỉ kíp (tương đương 85 tỉ đồng Việt Nam) đã hoàn thành trước thời hạn một năm. 78 hộ dân và hiện nay là hơn 1.000 hộ đã về dựng nhà dọc con đường đất đỏ. Điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa, 2 công trình thủy lợi hiện đại, khu đất sản xuất cấp cho nhân dân... trở thành địa điểm lý tưởng mời gọi 15 công ty của Lào và nước ngoài vào đầu tư. Từ mô hình này, Công ty tiếp tục xây dựng cụm bản Đắk Mun, huyện Đắk Chưng tỉnh Sê Kông với tổng mức 17 tỉ kíp.

Ở Thông Ka Lổng có một chuyện "lạ" đó là với sự giúp đỡ, chỉ bảo của bộ đội Việt Nam và chính được trui rèn qua thử thách đã có một lớp cán bộ trưởng thành. UBND tỉnh Chămpasăc hiện nay, nhiều cán bộ đi lên trên bước đường sự nghiệp từ Thông Kà Lổng. Ông Sombath từ đội trưởng, nay là Chánh văn phòng UBND tỉnh. Supany từ cán bộ của đội lên làm Giám đốc sở Nông nghiệp. Bác sĩ Si Phanh cũng từ đây trở thành Giám đốc Sở Y tế và hiện nay là Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế".

"Các bạn đã để lại ấn tượng tốt đẹp ở Lào"

Đó là lời khẳng định của Thượng tướng Chăn-xạ-mỏn Chăn-nha-lạt, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào khi chia vui với Ban Giám đốc Công ty tại lễ khánh thành Đài tưởng niệm Liên minh chiến đấu Việt - Lào do Công ty xây dựng bằng kinh phí của Chính phủ Việt Nam. Trung tướng Vị Lay Lạ-khăm-phong, Bí thư Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lào dành cho Công ty những tình cảm trìu mến. Ông nói: "Trong 10 năm qua, các đồng chí đã có mối quan hệ rất tốt với Sư đoàn 5, Tỉnh đội Chămpasăc, Trường Hạ sĩ quan Viêng Xay và Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh Nam Lào. Chúng tôi thấy mọi công tác xây dựng phát triển của Công ty tại Lào giống như tại Việt Nam, bởi các đồng chí không đặt nặng vì lợi nhuận. Vì từ lợi nhuận đó các đồng chí quay lại giúp chúng tôi. Các đồng chí thực sự là chiếc cầu nối của tình hữu nghị giữa hai nước, xứng đáng với những phần thưởng cao quý mà Chính phủ hai nước đã tặng". Còn ông Leklai SiViLay, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Sê Kông đánh giá: "Công ty giúp chúng tôi đào tạo những cán bộ nòng cốt ở địa phương; xây dựng cơ sở hạ tầng như trường học, bệnh xá, đường sá, kỹ thuật nông nghiệp... Bệnh xá 206 góp phần rất quan trọng trong việc khám và điều trị bệnh, cấp thuốc trị giá nhiều triệu kíp cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn 4 tỉnh Nam Lào trong đó có tỉnh Sê Kông, tạo được lòng tin rất lớn ở địa phương. Chúng tôi rất trân trọng những thành quả đó...".

Hiện nay những ngôi nhà cấp 4 cũ nát ở các nông trường, dấu tích ngày mới qua đã dần thay thế bằng các căn nhà mới khang trang. Vui hơn nữa khi hàng tháng ai nấy đều được về thăm nhà bằng xe tuyến đơn vị, hơn một buổi dài là đến nơi. Nhớ về kỷ niệm ngày đầu "cắm bản" đầy gian khó, cán bộ, nhân viên Công ty Hữu Nghị Nam Lào càng thêm tự hào về sự trưởng thành của đơn vị mình và nguyện bằng bàn tay, khối óc xây đắp tình hữu nghị Việt - Lào ngày càng nở hoa, kết trái.

Bài, ảnh: Hồng Vân

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_157903_10-nam-xay-ti-nh-hu-u-nghi-tren-da-t-ba-n.aspx