10 năm TP. Cần Thơ trực thuộc Trung ương: Hướng đến mục tiêu thành phố động lực

Cần Thơ những ngày cuối năm 2013 thật tưng bừng, náo nhiệt. Đại lộ Hòa Bình – con đường chính của trung tâm thành phố sôi động hẳn lên, chuẩn bị cho đường đèn nghệ thuật. Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho biết: Năm nay, Cần Thơ tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 10 năm Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và đại hội thể dục thể thao lần thứ 7 năm 2013 với nhiều sự kiện lễ và hội đặc sắc.

Cầu Cần Thơ

Công ty viễn thông quân đội Viettel đảm nhận tài trợ trang trí đèn hoa nghệ thuật suốt tuyến đại lộ Hòa Bình dài gần 1 km. Đường đèn nghệ thuật rực sáng từ 22-12-2013 chào mừng 69 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam kéo dài đến mồng 9 tết để nhân dân thưởng ngoạn. Dịp này, thành phố Cần Thơ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, hội chợ, hội thi góp phần tạo không khí sống động, trong đó Cần Thơ lần đầu tiên tổ chức đường hoa nghệ thuật với 3 chủ đề: "chào mừng Xuân Giáp Ngọ 2014 – Mừng Đảng quang vinh”; "Cần Thơ 10 mùa hoa” và "Khát vọng ngày mai”. Các tuyến đường nội ô, các cửa ngõ vào trung tâm thành phố cũng được trang trí cổng hơi, đèn hoa, ánh sáng nghệ thuật thể hiện nét đặc trưng của Cần Thơ 10 năm xây dựng, trưởng thành tạo không khí vui tươi chào mừng lễ hội và mừng xuân mới.

Cần Thơ – chặng đường 10 năm phát triển có nhiều điều ấn tượng. Hồi mới chia ra từ tỉnh Cần Thơ, nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội đạt thấp, thu nhập bình quân/đầu người đạt khoảng 10 triệu đồng/năm thì nay, Cần Thơ tự hào với những thành tích như: Tốc độ tăng trưởng GDP 2013 là 11,67%; tổng giá trị tăng thêm năm 2013 đạt 62.000 tỉ đồng, tăng gấp 3,5 lần năm 2004; Thu nhập bình quân/đầu người/năm đạt 62,9 triệu đồng, tương đương 2.989 USD, tăng gấp 6 lần 2004; Giá trị công nghiệp năm 2013 đạt 87.000 tỉ đồng, tăng gấp 8 lần năm 2004; Giá trị sản xuất nông lâm thủy sản đạt trên 15.500 tỉ đồng, gấp 3,5 lần năm 2004; Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ đạt 62.000 tỉ đồng, tăng 7 lần so với năm 2004; Kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỉ USD, gấp 5 lần năm 2004; Thu ngân sách trên địa bàn năm 2013 đạt gần 11.000 tỉ đồng, tăng gấp 5 lần năm 2004; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 36.124 tỉ đồng, tăng gấp 9 lần năm 2004; Tổng số dự án nước ngoài đầu tư vào Cần Thơ là 59 dự án với tổng vốn đăng ký là 885 triệu USD tăng 6 lần năm 2004. 10 năm qua, Cần Thơ là địa phương duy nhất ở vùng ĐBSCL điều tiết ngân sách về Trung ương, trong đó năm 2013 thu ngân sách vượt từ 24,5% đến 35,5% kế hoạch dự toán của HĐND thành phố và Bộ Tài chính giao.

Ngay từ sau khi chia tách từ tỉnh Cần Thơ, khai thác lợi thế về vị trí, nguồn lực và tiềm năng, Thành ủy Cần Thơ xác định cơ cấu kinh tế là: Công nghiệp - thương mại - dịch vụ - nông nghiệp chất lượng cao. Đến nay, Cần Thơ đã xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực; danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn; chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ cao tầm nhìn đến năm 2020, định hướng đến 2025 và đầu tư xây dựng vườn ươm công nghệ cao, mở ra hướng phát triển công nghiệp ổn định để đưa Cần Thơ trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020. Chính vì vậy, Cần Thơ qui hoạch và hình thành 7 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích 2,516 ha; 3 cụm công nghiệp 135 ha ở các quận Ô Môn, Bình Thủy, huyện Vĩnh Thạnh; đầu tư kết cấu hạ tầng để kêu gọi đầu tư đồng thời vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích sản xuất. Đã thu hút được 208 dự án đầu tư, tăng 110 dự án so với 2004 với tổng vốn đầu tư 1,85 tỉ USD, trong đó có 59 dự án đầu tư của nước ngoài, góp phần đạt giá trị sản xuất công nghiệp trên 87.000 tỉ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 16,54%/năm. Thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng với các mặt hàng xuất khẩu đa dạng, phong phú mang lại kim ngạch xuất khẩu đến năm 2013 đạt trên 1,5 tỉ USD, tăng 3 lần giai đoạn 2006-2010. Từ năm 2012, hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt dùng hàng Việt”, thành phố chủ trương đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, khu dân cư… nên đã đưa tổng mức bán lẻ đến năm 2013 đạt trên 62.000 tỉ đồng, tăng 7 lần so với 2004.

Khởi công đường ống dẫn khí lô B – Ô Môn

Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thành phố chú trọng đầu tư nhiều công trình kết cấu hạ tầng nông thôn như hệ thống thủy lợi, giao thông, lưới điện; xây dựng và phát triển hệ thống giống cấp 3; hình thành cánh đồng lớn; nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch theo mục tiêu định hướng là "chất lượng, hiệu quả”. Nông dân được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ; được hỗ trợ các khâu chủ yếu trong sản xuất lúa như làm đất, sạ hàng, bơm tưới, cơ giới hóa khâu thu hoạch, phơi sấy;… nhờ vậy, tuy diện tích đất nông nghiệp giảm hơn 3.500 ha nhưng sản lượng lúa vẫn tăng đạt bình quân 135 triệu đồng/ha/năm, tăng 3,6 lần năm 2004. Thế mạnh về thủy sản được phát huy, trong đó diện tích nuôi thủy sản năm 2013 đạt 14.000 ha, tăng 29% so với năm 2004. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được triển khai 3 năm qua ở 36 xã đã làm chuyển biến nhận thức và hành động của nông dân. Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân cùng chung sức đầu tư xây dựng nông thôn mới, góp phần làm thay đổi tập quán canh tác, thực hiện phương thức sản xuất mang lại hiệu quả cao, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Đến cuối năm 2013, có 2 xã Trung An (huyện Cờ Đỏ) và Mỹ Khánh (huyện Phong Điền) hoàn thành 20/20 tiêu chí. Thành phố cũng đã xuất ngân sách hơn 55 tỉ đồng thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn. Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn có mạng lưới điện, trong đó 99,5% hộ có điện sử dụng. Ngày cuối năm 2013, điện đã thắp sáng Cồn Sơn (quận Bình Thủy) – nơi mà nhiều chục năm qua, người dân sống trong tình trạng không có điện, đường, trường, trạm. Thành phố cũng đã đầu tư chương trình nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng 2 khu nông nghiệp công nghệ cao ở xã Thới Thạnh (huyện Thới Lai) và xã Thới Hưng (huyện Cờ Đỏ). Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đã chấp thuận chọn thành phố Cần Thơ để xây dựng cụm nghề cá vùng ĐBSCL. Cuối năm 2013, Thành phố khởi công dự án vườn ươm công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc phục vụ các hoạt động nghiên cứu, phát triển thuộc 3 ngành công nghiệp chính là chế biến nông sản, thủy sản và cơ khí chế tạo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp.

Bây giờ, về Cần Thơ, người dân cũng như khách phương xa không còn phải lo ngại chuyện kẹt phà nữa. Năm 2000 cầu Mỹ Thuận được khánh thành và đến 2010, cầu Cần Thơ cũng đã thông xe. Ước mơ ngàn đời của người dân vùng châu thổ Cửu Long đã được toại nguyện. Với sự quan tâm của Trung ương, Cần Thơ cũng đã được đầu tư sân bay quốc tế; cảng Cái Cui, Nhà máy nhiệt điện Ô Môn, đường Nam sông Hậu, đường Võ Văn Kiệt, tuyến Bốn Tổng - Một Ngàn, Quốc lộ 61B, Quốc lộ 91B,... góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông theo qui hoạch phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, giao lưu thương mại giữa các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và với các vùng miền trên cả nước. Các tuyến đường nội ô, các tuyến đường nối với các cụm kinh tế kỹ thuật, trung tâm hành chính, đường về các xã, ấp, được đầu tư mở rộng, nâng cấp để từng bước hoàn thiện tiêu chí đô thị loại 1. Ngành giao thông vận tải cũng đang khẩn trương hoàn thành phê duyệt qui hoạch điều chỉnh phát triển giao thông vận tải thành phố đến năm 2030 và các qui hoạch ngành và chiến lược đảm bảo an toàn giao thông đến năm 2020.

10 năm, Cần Thơ huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội gần 200.000 tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư ngoài ngân sách chiếm hơn 52%. Hơn 22.000 hộ nghèo được tặng nhà đại đoàn kết và có trên 328.439 lao động được đào tạo nghề, nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo từ 20,5% (2004) nâng lên 48,89% (2013). Toàn thành phố công nhận 47/85 xã, phường đạt danh hiệu văn hóa; 595 ấp, khu vực văn hóa và hơn 248.000 hộ gia đình văn hóa. Tỉ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 1%, đến cuối năm 2013 còn 3,95%.

Hỏi về bí quyết để đạt được những thành tựu vượt trội trong 10 năm qua, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho biết: Đảng bộ đã tổng kết chặng đường 10 năm, xác định mấu chốt của sự thành công là do có sự đoàn kết, thống nhất, biết phát huy dân chủ gắn với cải cách hành chính theo mô hình "một cửa”, "một cửa liên thông”, giảm nhiều thủ tục rườm rà, gây phiền hà cho nhân dân khi thực hiện các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng được các cấp ủy Đảng xác định là nhiệm vụ then chốt. Toàn đảng bộ và hệ thống chính trị thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay” gắn với việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua đó, từng ngành, từng cấp, từng đơn vị, từng cán bộ đảng viên tự soi rọi lại tư tưởng, hành vi, có sự chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, nghiêm túc thực hiện tự phê bình, phê bình, nâng cao chất lượng hoạt động phục vụ nhân dân.

10 năm qua bằng hình thức xã hội hóa, thành phố cùng với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đầu tư hơn 600 tỉ đồng xây dựng các trường phổ thông; thành lập được 5 trường đại học cùng hệ thống trường cao đẳng, trung cấp nghề thu hút gần 200.000 sinh viên, chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai. Thành phố cũng đưa vào hoạt động bệnh viện đa khoa trung ương 700 giường, xây dựng mới bệnh viện Đa khoa thành phố, bệnh viện Nhi đồng, bệnh viện Trường Đại học y dược góp phần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân thành phố Cần Thơ và vùng ĐBSCL. Công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm và chăm lo an sinh xã hội được đặc biệt coi trọng.

Với những thành tích vượt trội trong 10 năm qua, Đảng bộ và nhân dân thành phố Cần Thơ được Trung ương Đảng, Nhà nước, Chính phủ đánh giá cao, tặng thưởng huân chương độc lập hạng nhất.

Đảng bộ Cần Thơ xác định tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, huy động mọi nguồn lực, hướng về cơ sở, phấn đấu đưa Cần Thơ trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020.

Lê Quốc Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=74093&menu=1395&style=1