10 năm mới thấy 1.000 điểm

Ngày 24-10 tới đây, chỉ số VNX Allshare với thành phần gồm 208 CP từ HOSE và 180 CP từ HNX, sẽ chính thức được triển khai với điểm cơ sở là 1.000 điểm. Việc xuất hiện VNX Allshare là điều tất yếu từ sự vận động của TTCK Việt Nam, nhằm cung cấp thêm chỉ báo cho NĐT.

10 năm mới thấy 1.000 điểm

Việc hợp nhất HOSE và HNX đã được lên lộ trình, và tất nhiên khi về một nhà phải có chung một chỉ số. Có thể xem VNX Allshare như một chỉ báo cho thấy quá trình hợp nhất 2 sở GDCK đang được triển khai. Ngoài ra còn rất nhiều lý do khác cho thấy nhu cầu phải có một chỉ số như VNX Allshare, chẳng hạn cung cấp thêm một chỉ báo, cơ sở dữ liệu cho các NĐT theo dõi, vừa có tính bao quát, vừa có tính chọn lọc.

Còn nhớ khi HNX30 xuất hiện, được xem là 30 CP hàng đầu của HNX, nhưng NĐT vẫn chỉ ra những CP không thực sự xứng đáng, thậm chí có ý kiến cho rằng chỉ nên 10 CP. Trong khi rổ tính chỉ số VNX Allshare lại có đến 180 CP từ HNX, câu hỏi về chất lượng hàng hóa sẽ như thế nào? Cái mới không có gì đặc biệt thì việc vẫn sử dụng cái cũ là bình thường.

VNX Allshare cũng có thể là chỉ số cơ sở để phát triển các sản phẩm phái sinh, quỹ ETF… Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào những yếu tố này có thể thấy, sự xuất hiện của VNX Allshare cũng chẳng khác mấy so với các chỉ số trước đây như VN30, HNX30, rồi các bộ chỉ số phân loại nhóm CP từ large cap đến mid cap, small cap… Chỉ có một điều khác biệt là sau gần 10 năm mới thấy mốc 1.000 điểm trên TTCK.

Trước khi VN30 ra đời, NĐT cũng kỳ vọng thị trường sẽ có một chỉ số để giảm thiểu sự méo mó của VN Index, vì chỉ số này phụ thuộc rất nhiều vào ảnh hưởng của những CP có giá trị vốn hóa lớn như BVH, BID, MSN, VCB, VNM… Tuy nhiên, đến khi VN30 xuất hiện NĐT vẫn thích nhìn VN Index hơn VN30, và lúc này lại có ý kiến cho rằng VN30 chỉ “đỡ méo” hơn chứ không giảm thiểu tối đa. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng chuyện giảm thiểu là không thể, vì chỉ số phải có sự tương quan với thị trường. Thành công của VN30 là trở thành cơ sở tham chiếu cho một số quỹ đầu tư lựa chọn danh mục. Cũng có thời điểm, việc lọt vào rổ chỉ số VN30 là niềm tự hào của một số doanh nghiệp niêm yết. Nhưng có một điều chắc chắn là đến lúc này vị thế của VN Index trên thị trường vẫn áp đảo. Muốn biết thị trường tăng hay giảm vẫn nhìn VN Index, màu đỏ có chi phối cả sàn mà VN Index vẫn xanh vẫn tạo ra một sự tích cực nhất định.

TTCK là hàng hóa chất lượng

Đã có những ý kiến cho rằng VN Allshare là cơ sở để phát triển những sản phẩm phái sinh, ETF… Điều này hoàn toàn hợp lý, nhưng đứng ở góc nhìn của NĐT nên có thêm một lộ trình cụ thể. Bởi cho đến nay, những câu hỏi như sản phẩm phái sinh gồm những gì, khi nào xuất hiện không phải ai cũng trả lời được. Hiện nay, số lượng quỹ đầu tư trong nước mô phỏng rổ tính chỉ số VN30 hay HNX30 chỉ đếm trên đầu một bàn tay. Một số quỹ ngoại (trong đó có các ETF) tự lập ra một bộ rổ tính cho mình.

Vấn đề là nếu số quỹ đầu tư mô phỏng VN30 hay HNX30 tăng lên thành vài chục quỹ, tổng vốn bỏ vào lên đến hàng ngàn tỷ đồng, hàng trăm triệu USD, bảo đảm vị thế của các chỉ số này sẽ khác. Lúc đó, đến rà soát rổ tính VN30 hay HNX30, NĐT cũng chăm chú theo dõi không kém gì các kỳ rà soát (review) của các ETF như FTSE, Market Vector... Chỉ số phải tạo ra được lợi ích, cơ hội cho các NĐT và càng ra sau yêu cầu về sự khác biệt lại càng lớn. Do vậy khi đưa ra thị trường một chỉ số mới, cơ quan quản lý cũng cần kết hợp với việc thúc đẩy các thành viên trong việc kêu gọi vốn, khuyến khích các doanh nghiệp nhanh chóng niêm yết, tạo ra một chiến lược tổng thể.

Nhưng vốn dĩ các chỉ số được xây dựng trên một rổ tính CP, như vậy sự khác biệt sẽ nằm ở mặt hàng hóa. Nhu cầu trên TTCK Việt Nam rất lớn, nhưng hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng có chất lượng vẫn xuất hiện một cách nhỏ giọt. Hàng hóa không đa dạng cũng khó lòng tạo ra một sự khác biệt trong các rổ tính chỉ số. Có một thực tế là so về độ “chất” hàng hóa ở HOSE trội hơn HNX.

Một câu hỏi đặt ra nếu HOSE và HNX về một nhà, có một VNX Allshare với nhiều lợi điểm mà NĐT vẫn chú ý vào VN Index các cơ quan quản lý sẽ ứng xử thế nào? Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào quan điểm, chiến lược của cơ quan quản lý đối với các chỉ số CK, nhưng có một điều chắc chắn là chỉ số của thị trường phải có tính… thị trường, tuân theo quy luật cung-cầu, mà ở đây phải đáp ứng được nhu cầu, quan điểm, sự ưa thích của NĐT. Đó cũng là lý do VN Index dù vẫn có những điểm hạn chế, nhưng lại là chỉ số CK đầu tiên, có tính lịch sử lâu đời, vẫn được ưa chuộng.

VN Index có lợi thế, những chỉ số CK ra sau tất nhiên cũng có lợi thế, thậm chí có những điểm nổi trội hơn, nhưng muốn phát huy cần có sự khai thác theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu và có tính toàn diện. Một lợi thế lớn nhất của các chỉ số trên TTCK Việt Nam là tính chính danh khi được các cơ quan quản lý thiết lập, nghĩa là có thể thu hút và tạo ra niềm tin cho các NĐT ngay từ đầu. Nhưng để chỉ số tiếp tục phát triển cũng như cho thấy những ưu điểm của mình, cần có những hành động mạnh mẽ và sự phân bổ nguồn lực một cách hợp lý nhất.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/10-nam-moi-thay-1-000-diem-20161010074310382p4c146.news