10 biểu hiện thông thường của trẻ khi nói dối

Khi nói dối, trẻ sẽ có những biểu hiện rất dễ nhận thấy. Bố mẹ chỉ cần để ý quan sát thái độ của bé một chút là đã biết được con có đang nói dối hay không, từ đó giúp trẻ điều chỉnh lại hành vi.

Người xưa hay nói “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” song trong thực tế hàng ngày, đôi khi vì sợ hãi khi trót gây ra lỗi lầm, trẻ con thường tìm cách nói dối bố mẹ. Tất nhiên, vì là trẻ con nên những cách nói dối của con nhỏ khá là đáng yêu. Bố mẹ hoàn toàn có thể nhận biết đâu là lời nói dối của con.

Dưới đây là một số biểu hiện thông thường nhất khi trẻ nói dối. Bố mẹ chỉ cần để ý quan sát thái độ của bé một chút là có thể biết được con mình có đang nói dối hay không, từ đó điều chỉnh lại hành vi cho các bé.

1. Không nhìn thẳng

Ảnh minh họa

Với những trẻ nhỏ thì phản ứng đầu tiên khi nói dối là ánh mắt không nhìn thẳng. Chúng sẽ tránh nhìn thẳng vào mắt bạn khi nói chuyện.

2. Lặp đi lặp lại câu hỏi

Phản ứng “câu giờ” để kịp thời nghĩ ra lý do nào đó là điều dễ nhận thấy khi trẻ nói dối. Trẻ sẽ lặp đi lặp lại một phần câu hỏi để phản ứng trả lời lại. Đây là cách trì hoãn thêm thời gian nhằm suy nghĩ và bịa ra một câu chuyện nào đó. Ví dụ, nếu bạn hỏi con đã làm những gì với một người bạn sau giờ học, bé có thể trả lời: “Con đã đi đâu với bạn Bin sau giờ học ạ? Đi đâu với bạn Bin ạ?”.

3. Gãi đầu gãi tai

Những động tác có vẻ thừa thãi đang minh chứng cho việc bé nói dối. Các hành động chạm vào khuôn mặt – có thể là gãi tai, gãi đầu hay xoa mũi – chính là những dấu hiệu cho thấy con đang không nói thật. Tương tự như vậy, việc cắn môi hay liếm môi có thể là một biểu hiện chứng tỏ bé đang bịa chuyện.

Ảnh minh họa

4. Sự mâu thuẫn

Do đang tìm cách bịa chuyện nên nhiều trẻ sẽ không kể lại được tình tiết một cách lô gic. Bạn sẽ nhận ra được sự mâu thuẫn trong lời kể của bé. Đấy chính là dấu hiệu rõ nhất cho thấy con đang không trung thực.

5. Phản ứng phòng thủ

Một đứa trẻ đang nói dối thường phản ứng lại mạnh mẽ với lời buộc tội của bạn. Cách phản ứng của con khác với thường ngày. Bạn hãy để ý nếu con bảo vệ những gì mình kể một cách dữ dội và hơi thái quá nhé.

6. Điệu bộ, cử chỉ kỳ quặc

Ảnh minh họa

Con bạn đột nhiên có những cử chỉ hay điệu bộ khác thường khi kể một câu chuyện hoặc đứng với hai tay để ra sau lưng? Những động tác hay tư thế cơ thể bất thường đó của con có thể cho thấy bé đang không thành thật.

7. Chớp mắt liên tục

Ánh mắt của trẻ không bình thường. Có thể trẻ cố gắng nhìn bạn nhưng trẻ lại hay nhấp nháy mắt khi nói chuyện với bạn. Đấy chính là do tâm trạng của trẻ không ổn.

8. Bồn chồn, sốt ruột

Trẻ không thoải mái khi kể lại mọi chuyện cho bạn. Trẻ lau mồ hôi liên tục, vẻ mặt lúng túng, tay chân ngó ngáy khi kể chuyện? Đó chính là đầu mối khác nữa cho thấy bé cảm thấy không thoải mái khi phải nói dối với bạn đấy.

9. Kể dài dòng, lan man

Trừ khi bình thường con bạn là đứa hoạt ngôn và hay lan man hào hứng khi nói chuyện, còn không thì việc nói dài dòng, không mạch lạc cho thấy trẻ đang cố gắng biến câu chuyện của mình có vẻ tin cậy hơn bằng cách thêm thắt các chi tiết. Trẻ vừa kể vừa suy nghĩ tình tiết tiếp theo. Lúc phân tâm như vậy trẻ sẽ không thể nào trình bày được rõ ràng.

10. Nói ấp úng

Bạn sẽ nhận thấy ngay khi trẻ nói dối qua giọng điệu của trẻ. Trẻ sẽ kể chuyện nhưng lại ngắc ngứ lâu, do dự, hoặc giọng trầm xuống. Vì khi vừa nói trẻ vừa lo sợ và đang tìm cách để bịa ra câu chuyện cho đúng lô gic.

TH

Nguồn SKCĐ: http://suckhoe.com.vn/me-va-be/10-bieu-hien-thong-thuong-cua-tre-khi-noi-doi-69717