10 “Apple” tương lai

Trẻ trung và đầy khí thế vươn lên – 10 doanh nghiệp ở các nước mới nổi đang vươn lên và trở thành đối thủ tiềm năng của nhiều tập đoàn lâu đời và lừng lẫy tiếng tăm ở Châu Âu.

Tập đoàn tư vấn doanh nghiệp Boston Consulting Group (BCG) mới đây đã tiến hành một khảo sát trên diện rộng và xác định được 100 doanh nghiệp mới trỗi dậy, trong đó có mười doanh nghiệp có khả năng trở thành đối thủ "nguy hiểm" của các tập đoàn nổi tiếng ở châu Âu. Tóm tắt nghiên cứu này của BCG đã đăng tải trên Spiegel.

Những đối thủ mới nổi này ở nhiều lĩnh vực kinh doanh rất đa dạng, từ làm rượu nho cho đến sản xuất ô tô và có nhiều chiến lược kinh doanh khác nhau. Ví dụ, nhiều công ty này tấn công thị trường Châu Âu và đưa ra chiến lược Shoppingtour. Gần đây nhất, tập đoàn hóa chất ChemChina và doanh nghiệp dược phẩm Aspen Pharma của Nam Phi đã qua mặt các đối thủ lâu đời khác, như tập đoàn rượu nho Concha y Toro của Chi lê đã tấn công mạnh vào thị trường Anh, tập đoàn xe ô tô Geely của Trung quốc đã thành công khi đưa xe Volvo của Thụy điển vào thị trường Trung Quốc và nay đang hợp tác với nhà sản xuất đồng hồ Swatch.

Theo BCG, trong giai đoạn 2009 -2014, các doanh nghiệp mới nổi đã tăng trưởng nhanh gấp ba lần trong cạnh tranh thị trường so với các đối thủ là doanh nghiệp châu Âu. Trong gần mười năm qua, doanh thu của các doanh nghiệp này đã tăng gấp bốn lần từ 236 tỷ USD lên 944 tỷ USD.

Dưới đây là 10 doanh nghiệp ở các nước mới nổi được đánh giá có thể sẽ trở thành các “apple” tương lai:

Petronas (Malaysia)

Tháp “Petronas Towers” khổng lồ ở Kuala Lumpur đang là biểu tượng của Tập đoàn dầu mỏ Malaysia này. Tập đoàn này hiện đang chuẩn bị các bước đệm để leo lên vị trí hàng đầu thế giới. Petronas giờ đây đã là đối thủ ngang ngửa với các tập đoàn dầu khí khổng lồ, kỳ cựu như ExxoMobil, Shell và Gazprom. Hiện tại Petronas đã có tên trong danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới

ChemChina (Trung quốc)

ChemChina là tập đoàn nhà nước của TQ đang tấn công mạnh mẽ vào thị trường châu Âu khi dự kiến mua Syngenta, Tập đoàn sản xuất thuốc bảo vệ thực vật hàng đầu thế giới của Thụy sỹ, thương vụ này có thể đưa tập đoàn ChemChina vào vị trí hàng đầu thế giới về thuốc bảo vệ thực vật. Hiện ChemChina cũng thâu tóm các hãng khác như Pirelli và Krauss Maffei nhưng vẫn chưa hài lòng và còn muốn vươn xa hơn nữa. Doanh thu của tập đoàn hiện lên tới 45 tỷ đôla và là nhà sản xuất hóa chất lớn nhất Trung Quốc.

Alibaba (Trung Quốc)

Alibaba là đối thủ cạnh tranh khốc liệt của Amazon, những năm qua đã có sự tăng trưởng đầy ấn tượng và hiện đã thâm nhập thị trường châu Âu với những mô hình kinh doanh mới.

Xiaomi (Trung Quốc)

Nhà sản xuất điện thoại di động có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới tọa lạc tại Trung Quốc. Nhờ một thương vụ với Microsoft, Xiaomi tăng thêm sức cạnh tranh và trở thành một đối thủ đáng gờm với Apple trên thị trường thế giới.

Turkish Airlines (Thổ Nhĩ Kỳ)

Có số lượng hành khách tăng trưởng mạnh mẽ, nhiều điểm đến, số lượng chuyến tăng nhanh, hãng hàng không Thổ nhĩ kỳ này làm cho các đối thủ cạnh tranh khác phải kiêng nể.

Etihad (Ả rập)

Hãng hàng không này có chương trình giảm giá mạnh cho hành khách di chuyển nhiều và có giá vé nội địa rất phải chăng, đã phát triển với tốc độ chóng mặt làm cho các đối thủ cạnh tranh khác không xoay sở kịp.

Geely (Trung Quốc)

Tập đoàn sản xuất ô tô Geely của TQ làm được điều mà hầu như trước đó không mấy người tin là sẽ làm được: Geely đã vực dậy tập đoàn sản xuất ô tô Volvo của Thụy điển. Giờ đây Geely còn muốn vươn xa hơn nữa.

Aspen Pharma (Nam Phi)

Nhà sản xuất Generika Aspen Pharma có thể cung cấp dược phẩm cho cả châu Phi. Mới đây, nhờ mua được mảng thuốc gây mê của tập đoàn Astra-Zeneca, Aspen Pharma đã trở thành đối thủ thực sự với các ông lớn trong ngành công nghiệp dược thế giới và sản phẩm của hãng này đã có mặt trên thị trường Đức.

Natura (Brazil)

Natura của Brazil có thể trở thành một Body Shop (thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng của Anh) tiếp theo. Natura Cosmeticos là nhà sản xuất mỹ phẩm dựa và những nguyên liệu thiên nhiên, đã đưa ra thị trường những dòng sản phẩm đặc trưng của mình - và đã có những bước đi đầu tiên thâm nhập thị trường châu Âu.

Concha y Toro (Chile)

Concha y Toro đã nhảy lên hàng thứ tư thế giới về sản xuất rươu nho. Thương hiệu rượu nho Casillero del Diablo là nhãn mác nổi tiếng của nhà sản xuất rượu nho lớn nhất Nam Mỹ này và trở thành đối thủ cạnh tranh đáng sợ tại thị trường rượu nho ở Anh.

Xuân Hoài lược dịch theo Spiegel online.

Nguồn Tia Sáng: http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?CategoryID=43&News=9836&tabid=112