1.037 em gái từ 13 đến 16 tuổi bị xâm hại tình dục năm 2016

Sáng 27.3, tại Hà Nội, Ủy ban Tư pháp phối hợp với Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức cuộc họp với các cơ quan hữu quan về “Việc chấp hành các qui định của pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em".

Toàn cảnh cuộc họp sáng 27.3 (Ảnh: X.H)

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhấn mạnh, liên quan đến việc chấp hành các qui định của pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có tới 9 cơ quan liên quan. Gồm Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao.

Bà Nga đề nghị, cần làm rõ vai trò trách nhiệm của từng cơ quan, cán bộ liên quan để đánh giá xem hiệu quả công việc có tương xứng nhiệm vụ được giao không.

Báo cáo của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam nêu rõ: Vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em hiện là một trong những vấn đề đáng báo động. Theo báo cáo của Tổng cục cảnh sát, Bộ Công an năm 2016, toàn quốc phát hiện 1.641 vụ xâm hại trẻ em, gồm 1.807 đối tượng, 1.627 nạn nhân bị xâm hại, trong đó có 1.248 vụ xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 77% tổng số vụ. Trong số vụ xâm hại trẻ em, tội giao cấu chiếm tỉ lệ cao nhất 677 vụ, hiếp dâm trẻ em 446 vụ, dâm ô 189 vụ, cưỡng dâm 9 vụ,...

Phần lớn đối tượng phạm tội xâm hại trẻ em là nam giới (1.756 đối tượng, chiếm tỷ lệ 97,2%), chủ yếu trên 18 tuổi, không có nghề nghiệp ổn định, đa phần là những người quen, người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em (anh em, cha mẹ, họ hàng, hàng xóm, thầy cô giáo,...).

Nạn nhân bị xâm hại chủ yếu trẻ em gái (1.358 người, chiếm 84%), thậm chí các cháu bị thiểu năng trí tuệ cũng bị xâm hại tình dục. Phần lớn nạn nhân bị xâm hại trong độ tuổi từ 13 – 16 (1.037 người, chiếm 63,4%), còn lại dưới 6 tuổi là 120 người, trong độ tuổi 6 – 13 tuổi là 479 người. Các vụ xâm hại thường xảy ra ở các khu chung cư, tập thể, một số vùng nông thôn, sống nước,...nơi không có người trong coi, giám sát thường xuyên.

Nhiều vụ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, loạn luân, thể hiện sự suy đồi đạo lý, coi thường pháp luật, tính mạng và nhân phẩm của nạn nhân.

Điển hình: Tháng 6.2016, đối tượng Hoàng Văn Vinh, sinh năm 1975, tại xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình nhiều lần cưỡng bức, hiếp dâm con gái là cháu H.T.P, sinh 2001 khiến cháu phải uống thuốc diệt ốc để tự tử, nhưng cấp cứu được.

Vụ Đặng Văn Nam, 35 tuổi, nhân viên bảo vệ Trường tiểu học La Pán Tẩn, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đã dâm ô với hàng chục học sinh tiểu học trong một thời gian dài. Đến khi nhiều cháu hoảng sợ phải nghỉ học mới được phát hiện.

Phát biểu tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam kiến nghị sửa đổi Luật hình sự, đề nghị làm rõ khái niệm Dâm ô tại điều 146 Bộ luật hình sự 2015 để có thể đảm bảo việc xác định tội danh này cũng như trong việc điều tra, thu thập chứng cứ.

Đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí đăng tin bài liên quan đến vụ việc xâm hại tình dục trẻ em một cách khách quan, bảo đảm quyên nhân thân, bí mật cá nhân, không để ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của nạn nhân cũng như người thân của họ.

“Sau khi báo chí đưa tin về vụ bé gái 7 tuổi ở khu chung cư phường Nguyễn An Ninh (TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu) bị một người đàn ông 76 tuổi có hành vi dâm ô, thì gia đình bé gái này đã chuyển nơi ở khỏi địa phương”, bà Hà cho biết.

Đưa ra giải pháp để phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em, bà Hà cho rằng, cần tăng cường cung cấp kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ và trẻ em về kỹ năng sống; về chăm sóc bảo vệ trẻ em thông qua các hoạt động truyền thông và mô hình tại cộng đồng.

Xuân Hải

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phap-luat/1037-em-gai-tu-13-den-16-tuoi-bi-xam-hai-tinh-duc-nam-2016-650336.bld