1.000 doanh nhân làm “từ thiện” kiến thức

(Toquoc)- 1.000 doanh nhân cùng tham gia vào đào tạo trực tuyến các kỹ năng phỏng vấn xin việc; chia sẻ kinh nghiệm thành công, thất bại của chính họ với giới trẻ.

Thầy và trò đều miễn phí

“Bạn nghĩ thế nào khi các nhà tuyển dụng với trang phục comple, cà vạt, còn bạn thì quần jean, áo te tua, dép xỏ ngón, ba lô xộc xệch? Rồi địa chỉ email của người xin việc là: yeulachetotronglongmotit@... (“yêu là chết ở trong lòng một ít…”)

Đây là câu hỏi chị Phạm Bình Hà, Trưởng phòng nhân sự, Công ty Usol Việt Nam đặt ra với phóng viên Điện tử Tổ Quốc. Chị Hà cũng trả lời luôn rằng, chị đã phải gặp nhiều tình huống như thế trong khi tuyển dụng nhân sự vào công ty mình và hầu như, những ứng cử viên này đã bị hạ “knock - out” từ ngay vòng đầu tiên.

Trong con mắt của người tuyển dụng, chị Hà phân tích, “các bạn ăn mặc như thế chứng tỏ đã không tôn trọng những người tuyển dụng. Họ đang rất lịch sự để đón tiếp bạn, nhưng bạn lại thể hiện sự không chỉn chu, chững chạc, trưởng thành”.

Tuy vậy, những lỗi này lại tiếp tục được lặp lại với nhiều sinh viên khác và họ cũng mắc rất nhiều lỗi cơ bản khác mà một ứng viên khi đi phỏng vấn phải tránh: hồ sơ không chuẩn bị chu đáo, không biết cách trả lời phỏng vấn, không biết giới thiệu về bản thân, không nắm rõ những thông tin cơ bản về công ty v..v...

Sinh viên sẽ có kỹ năng tốt hơn khi tham gia tuyển dụng (Ảnh: S.Đào)

Một lỗi cơ bản nữa mà sinh viên mới ra trường hay mắc phải là… bệnh “lý thuyết suông” và dùng từ sáo rỗng. “Khi ứng viên trả lời là muốn làm việc trong công ty vì môi trường công ty chuyên nghiệp, tôi đã hỏi lại rằng thế nào là chuyên nghiệp thì chưa một ai trả lời được hoặc nói luôn là… không biết” - chị Hà kể lại.

Để tránh những sai lầm trên, một dự án của Trung ương Đoàn TNCSHCM phối hợp tổ chức mang tên Chương trình 1.000 doanh nhân truyền kinh nghiệm cho thanh niên qua phương pháp học trực tuyến tại trang web: www.thanhgiong.vn .

Tại đây, các doanh nhân thành đạt sẽ truyền đạt những kinh nghiệm thành công cũng như thất bại của họ với thanh niên, đặc biệt là các kỹ năng cho sinh viên chuẩn bị tham gia vào thị trường lao động. Một điều thú vị nữa, việc truyền đạt này miễn phí!

Theo anh Nguyễn Hoàng Hiệp, Bí thư Trung ương Đoàn TNCSHCM cho hay, khóa học bắt đầu với một buổi gặp mặt khởi động, sau đó học viên trao đổi với doanh nhân hàng tuần qua mạng trong khoảng 6 tới 10 tuần. Các học viên còn tham gia làm trắc nghiệm, thực hành tình huống cụ thể.

Không chỉ thế, anh Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội tiết lộ, “chúng tôi – các doanh nhân trẻ cũng có thể giúp các sinh viên khởi nghiệp. Chúng tôi làm từ thiện về kiến thức giúp các bạn tiến bộ hơn để tiếp tục gánh vác trách nhiệm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Góp sức, không chờ đợi

Từ tháng 3-6/2009, chương trình đã triển khai cho hơn 200 học viên và sắp tới sẽ triển khai với 50 doanh nhân và 600 sinh viên tại ba trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Mở Hà Nội. Chương trình này đặt mục tiêu tới cuối năm 2010, sẽ có 1.000 doanh nhân tham gia vời 30.000 học viên từ các trường ĐH, CĐ trong cả nước.

Trong khi chờ đợi sự thay đổi của hệ thống giáo dục thì đây là cách góp sức, thể hiện trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Lân Trung, Phó hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, 1.000 doanh nghiệp sẽ làm được những việc mà nhà trường không làm được, chìa khóa của thành công không chỉ ở những kiến thức lý thuyết trong trường ĐH, các sinh viên sẽ được tiếp thu những kiến thức thực tiễn nhất để vững bước vào thị trường lao động. Các doanh nhân chính là cầu nối để rút khoảng cách lý thuyết và thực tế, bù đắp những khiếm khuyết của hệ thống giáo dục.

“Có khi chúng tôi những thầy giáo, những bậc cha mẹ nói các em không nghe, nhưng bằng những kinh nghiệm thành công, thất bại của chính các doanh nghiệp - những người sẽ tuyển dụng các sinh viên sau này thì các em sẽ lắng nghe hơn” – ông Trung chia sẻ.

Điều này đã được chính các bạn sinh viên thừa nhận. Nguyễn Hồng Hạnh, sinh viên Viện ĐH Mở, tham gia khóa đào tạo về tài chính của chương trình cho rằng: ”những gì trao đổi trực tuyến khiến tôi dễ nhớ hơn bởi nó sinh động. Những gì thắc mắc, chúng tôi đều được trả lời tới khi nào thỏa đáng mới kết thúc”.

“Không tham vọng, không phải là thanh niên” – anh Hiệp khẳng định như vậy khi nói về chương trình và đây cũng là cách tiếp cận của Đoàn trong việc tạo việc làm bền vững cho thanh niên./.

Song Đào

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/Sites/vi-vn/details/39/giao-duc-viec-lam/83412/1000-doanh-nhan-lam-tu-thien-kien-thuc.aspx