Ứng dụng AI và Big Data cho ngân hàng số 'bứt tốc'

Ứng dụng AI và Big Data trong ngân hàng số là xu hướng đáp ứng sự tăng tốc của thanh toán kỹ thuật số đang phát triển nhanh như vũ bão tại Việt Nam.

Tài chính ngân hàng là một trong những lĩnh vực được đánh giá có tốc độ chuyển đổi số nhanh nhất hiện nay khi 100% các ngân hàng thương mại (NHTM) đã triển khai hệ thống Core Banking, nâng mức tự động hóa trong xử lý các giao dịch hệ thống lên tới 90,6%.

Theo đánh giá của McKinsey, hệ thống ngân hàng Việt Nam có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực. Các NHTM đang triển khai mạnh mẽ quá trình nghiên cứu xây dựng chiến lược chuyển đổi số, tích cực ứng dụng các công nghệ nhằm tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm khách hàng.

Thực tế cho thấy, một số ngân hàng đã bước đầu ứng dụng AI, robot và Big Data trong thu thập thông tin, phân tích và dự báo thị trường. Nhờ đó, hàng loạt các sản phẩm, dịch vụ số ra đời, mang đến trải nghiệm mới cho khách hàng, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường thông qua các kênh tương tác, tiếp cận với khách hàng được dựa trên công nghệ số.

Ông Lù Duy Nguyên, Phó Giám đốc Khối bán lẻ Ngân hàng OCB. (Ảnh: Đại Việt)

Ông Lù Duy Nguyên, Phó Giám đốc Khối bán lẻ Ngân hàng OCB. (Ảnh: Đại Việt)

Ông Lù Duy Nguyên, Phó Giám đốc Khối bán lẻ Ngân hàng OCB cho biết, trong 3 năm qua, OCB đã có lượng khách hàng mới gia tăng mạnh mẽ, mức độ gia tăng từ 2,5 – 3 lần.

OCB là ngân hàng tiên phong trong ứng dụng Facepay (giải pháp xác thực khuôn mặt dựa trên công nghệ nhận dạng khuôn mặt) giúp khách hàng trải nghiệm thanh toán dễ dàng. Điển hình như khi đến hệ thống cửa hàng tiện lợi GS25, khách hàng không cần cầm tiền mặt, thậm chí là không cần cầm theo điện thoại vẫn có thể thanh toán dễ dàng.

Theo ông Nguyên, trong năm 2023, các sản phẩm số tăng trưởng mạnh mẽ khiến OCB cân nhắc phải phát triển nền tảng của mình lên một tầng cao mới. Đó chính là lý do để OCB OMNI 4.0 ra đời để tăng trải nghiệm khách hàng.

"Nền tảng OCB OMNI 4.0 được OCB kết hợp cùng với Backbase - Công ty hàng đầu thế giới về công nghệ ngân hàng tương tác và SmartOSC - đơn vị triển khai giải pháp chuyển đổi số hàng đầu khu vực. Theo đó, phiên bản thế hệ mới của OCB đã đặt ra một tiêu chuẩn mới trong lĩnh vực ngân hàng số với các tính năng đáp ứng nhu cầu tối ưu của người tiêu dùng Việt Nam về tốc độ và sự tiện lợi", ông Nguyên nói.

Cụ thể, OCB OMNI 4.0 sở hữu tính năng thanh toán QR một chạm, ứng dụng cho phép giao dịch liền mạch tại hàng ngàn điểm dịch vụ khác nhau, từ thương mại điện tử đến du lịch. Ứng dụng cũng sở hữu các dịch vụ ngân hàng số hiện đại, tiện dụng, như mở và quản lý tài khoản, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, dịch vụ thẻ, tiền gửi, vay cùng nhiều tính năng ưu việt khác.

Đặc biệt, OCB OMNI 4.0 mang lại những lợi ích tiên tiến, tất cả đều được hỗ trợ bởi các biện pháp an toàn tuyệt đối. Phiên bản lần này được sử dụng công nghệ bảo mật FIDO với thuật toán mã hóa mạnh mẽ, bảo mật đa lớp để ký cho từng giao dịch, được đánh giá an toàn nhất hiện nay, kết hợp với việc OCB đã chuẩn bị sẵn sàng bổ sung xác thực sinh trắc học từ ngày 1/7/2024 theo quyết định 2345 của NHNN nhằm hướng tới mục tiêu bảo mật, đảm bảo tính an toàn, bảo vệ thông tin tài chính của người dùng một cách tối ưu.

Không dừng lại ở đó, nhằm cá nhân hóa trải nghiệm cho khách hàng cả về giao diện đến những tính năng hỗ trợ giao dịch, phiên bản ngân hàng số này tích hợp các công nghệ hiện đại như: khách hàng có thể sử dụng ứng dụng gợi ý trực quan khi chỉ cần thao tác trong 2 click, hoặc chủ động tách lệnh giá trị lớn để chuyển tiền nhanh và phân loại giao dịch để quản lý chi tiêu và nhiều tiện ích khác.

Cũng theo ông Nguyên, nền tảng OCB OMNI 4.0 đã đi vào hoạt động chỉ trong 6 tháng, giúp OCB trở thành ngân hàng dẫn đầu trong cuộc đua chuyển đổi số hiện nay.

Song song đó, ngân hàng này tăng tốc triển khai các sản phẩm dịch vụ và tính năng thông qua nền tảng Ngân hàng Tương tác của Backbase. Quá trình thiết lập nhanh chóng này bao gồm các tính năng quan trọng như: quản lý tài khoản, tiền gửi,thanh toán hóa đơn, dịch vụ thẻ, vay... Tất cả đều được điều chỉnh phù hợp với đặc thù riêng thị trường Việt Nam.

Trong lần triển khai đầu tiên của ứng dụng, OCB đã chuyển đổi hơn 7.000 người dùng nội bộ sang nền tảng mới, nhận được phản hồi rất tích cực về tính mượt, nhanh, tốc độ và an toàn

Ông Phạm Hồng Hải, Quyền Tổng Giám đốc OCB chia sẻ, Việt Nam được định vị là nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh nhất tại Đông Nam Á. Trong đó, tốc độ tiếp cận thị trường nhanh chóng nhằm mang lại sự tương tác chất lượng với khách hàng là vô cùng quan trọng để các ngân hàng giành được sự ưu tiên trên thị trường.

Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2023, ngân hàng số OCB OMNI đã tăng 61% lượng giao dịch so với năm 2022 và tăng 25 lần so với năm 2018, tỷ lệ giao dịch trên OCB OMNI chiếm đến 95% tổng giao dịch, số dư tiết kiệm online tăng 55% so với năm 2022, số dư CASA (tiền gửi không kỳ hạn) năm 2023 cũng có sự tăng trưởng cao với mức tăng 44% so với năm 2022.

Tại sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024 với chủ đề “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là một hành trình dài và trước mắt vẫn còn nhiều thách thức về đảm bảo an ninh an toàn, bảo mật thông tin, cập nhật, thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ…

Theo đó, Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng bám sát quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, lấy trải nghiệm khách hàng là thước đo. Đồng thời, tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được Chính phủ giao, đảm bảo thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số của ngành gắn chặt với bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Để đáp ứng kỳ vọng của khách hàng, ngành ngân hàng sẽ nỗ lực không ngừng đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy nghiên cứu các công nghệ, thành tựu nhằm tăng cường năng lực quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ngân hàng; xây dựng cơ chế, chính sách, quản lý thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo; phát triển hạ tầng thanh toán và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0.

ĐẠI VIỆT

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/ung-dung-ai-va-big-data-cho-ngan-hang-so-but-toc-ar871241.html