Nóng tỷ lệ 'chọi' vào lớp 10

Tới thời điểm này, Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương trong cả nước đã công bố số lượng đăng ký dự thi và tỷ lệ 'chọi' vào lớp 10 trung học phổ thông (THPT) công lập, năm học 2024-2025. Một mùa thi quan trọng nữa lại tới, đem theo nhiều hy vọng và cũng rất nhiều lo lắng.

Thông tin từ Sở GDĐT Hà Nội, Hà Nội có 133.000 học sinh tốt nghiệp lớp 9 năm nay. Trong đó có gần 106.500 em đăng ký thi. Dự kiến khoảng 61% được vào lớp 10 trường công. Hiện, trường có tỷ lệ “chọi” cao nhất là THPT Yên Hòa với 1/3,11; có nghĩa trung bình cứ 3 thí sinh dự thi thì chỉ có 1 em đỗ vào trường công. Tiếp đó là THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông), tỷ lệ 1/2,9. Thứ 3 là THPT Trần Hưng Đạo (cũng thuộc quận Hà Đông), tỷ lệ 1/2,55.

Cùng đó, những trường có tỷ lệ “chọi” cao ở Hà Nội còn có Tây Hồ, Thăng Long, Kim Liên, Nhân Chính, Hoàng Văn Thụ, Ngọc Hồi, Dương Xá, Nguyễn Văn Cừ, Đông Anh, Nguyễn Thị Minh Khai.

Tại TPHCM, tình hình có vẻ “dễ thở” hơn khi mà kỳ thi vào lớp 10 công lập có 98.681 thí sinh đăng ký dự thi (chưa tính đến 8.233 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10, ở các trường THPT chuyên và trường có lớp chuyên, cùng 1.403 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 tích hợp tiếng Anh).

Trường THPT ở TPHCM có nhiều thí sinh đăng ký nhất là trường chuyên Lê Hồng Phong (4.210 học sinh) và trường chuyên Trần Đại Nghĩa (1.864 học sinh). Tính chung, tỷ lệ “chọi” toàn thành phố xấp xỉ 1/1,6 và dự kiến gần 70% thí sinh được vào lớp 10 trường công năm học tới.

Nói thêm về tỷ lệ “chọi”. Nhiều phụ huynh ở Hà Nội “ngã người” khi biết con mình phải “chiến” với quá nhiều bạn để giành được một suất trường chuyên. Kỳ thi vào trường THPT chuyên (gồm 4 trường trực thuộc Sở GDĐT Hà Nội và 4 trường trực thuộc các trường đại học đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội) đều diễn ra đầu tháng 6/2024. Theo thông tin từ Hội đồng tuyển sinh THPT chuyên Đại học Sư phạm, năm nay, số hồ sơ dự tuyển vào trường là 5.382. Lớp chuyên tiếng Anh nhận được nhiều hồ sơ nhất và cũng là khối chuyên có tỷ lệ chọi cao nhất là 1/21,3. Tiếp đến là tỷ lệ “chọi” lớp chuyên Lý với 1/15,5. Các lớp chuyên Toán, Tin, Hóa học và Sinh học có tỷ lệ “chọi” tương đương nhau, dao động 1/11-1/12. Ngữ văn có tỷ lệ “chọi” 1/9,7 và Địa lý có tỷ lệ chọi 1/6,8.

Còn với 2 trường chuyên và trường có lớp chuyên trực thuộc Sở GDĐT Hà Nội, thì tỷ lệ “chọi” lần lượt như sau: chuyên tiếng Anh (THPT chuyên Nguyễn Huệ): 1/19,51; chuyên tiếng Anh THPT Chu Văn An: 1/12,27.

Cùng với lo lắng về việc trường công thu nhận học sinh vào lớp 10 thấp, thì việc đăng ký nguyện vọng (1,2,3) của con em cũng khiến phụ huynh “lo sốt vó”. Cụ thể là, nếu đã đăng ký nguyện vọng 1 rồi, thì có thể thay đổi được nguyện vọng không khi mà nhận thấy tỷ lệ “chọi” quá “khủng” rất có thể sẽ bị trượt và cơ hội điều chỉnh nguyện vọng chỉ có một lần.

Về vấn đề này, đại diện Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Sở GDĐT TPHCM) cho rằng, phụ huynh và học sinh nên cân nhắc thật kỹ, thận trọng trước khi quyết định điều chỉnh nguyện vọng. Chỉ nên điều chỉnh nguyện vọng khi rơi vào các trường hợp sau: Thứ nhất, khoảng cách từ nhà đến trường khá xa. Thứ hai, cảm thấy không tự tin (không chắc chắn đủ điểm để trúng tuyển vào trường này) khi số lượng học sinh đăng ký nguyện vọng quá nhiều so với chỉ tiêu mà nhà trường sẽ nhận.

Phụ huynh và học sinh cần căn cứ vào bảng điểm chuẩn 3 năm học gần nhất của trường, kết quả học tập của mình trong suốt 4 năm học, nhất là 3 môn Văn, Toán và Ngoại ngữ; so sánh mức độ khó - dễ của đề kiểm tra định kỳ tại trường với đề thi tuyển sinh các năm học trước… để có quyết định đúng đắn.

Vì sao mùa thi vào lớp 10 năm nào cũng rất nóng, nhất là với các thành phố lớn? Câu hỏi không dễ trả lời. Tuy nhiên có thể thấy trước hết là do nhiều học sinh đạt được điểm số cao trong kỳ thi, càng khiến thí sinh mức trung bình khá trở xuống còn rất ít cơ hội. Cùng đó, việc các thành phố thiếu quỹ đất để xây dựng thêm trường lớp, trong khi số học sinh tăng lên, khiến tỷ lệ vào trường công phải thắt lại.

Một vấn đề nữa cũng cần sớm có phương án điều chỉnh, là tỷ lệ “chọi” trường công ở ngoại thành quá chênh so với nội thành. Thực tế cho thấy, có trường học ngoại thành chưa đến 10 điểm (3 môn thi) đã được nhận. Trong khi trường nội thành gấp 3 lần số điểm đó vẫn có nguy cơ trượt như thường.

Đó cũng là bài toán ngành Giáo dục cần có lời giải, không chỉ để đạt sự công bằng cho học sinh các nơi mà còn là nâng chất lượng dạy và học lên một cách đồng đều.

Bảo Thư

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nong-ty-le-choi-vao-lop-10-10279940.html