Khám phá quy trình tổ chức một giải thể thao thành tích cao

Việt Nam hiện có 40 môn nằm trong hệ thống thi đấu thể thao thành tích cao, với 150 giải vô địch cấp độ quốc gia được tổ chức hàng năm. Làm thế nào Cục Thể dục Thể thao (TDTT) có thể nắm bắt nhiều giải đấu như vậy? Nguồn kinh phí tổ chức, và công việc của các bên liên quan là điều không phải ai cũng biết.

Một hệ thống đồ sộ

Theo thống kê từ Cục TDTT, Việt Nam hiện có 40 môn nằm trong hệ thống thi đấu thể thao thành tích cao. Mỗi môn trung bình có 2-4 giải đấu mỗi năm ở cấp độ quốc gia. Từ đó, Cục TDTT sẽ phải giám sát, quản lý trên dưới 150 giải đấu/ năm. Đây là con số không hề nhỏ.

Mỗi môn thể thao thường có 2-4 giải cấp độ quốc gia tổ chức hàng năm.

Mỗi môn thể thao thường có 2-4 giải cấp độ quốc gia tổ chức hàng năm.

Trên góc độ quản lý chung, vào cuối mỗi năm dương lịch, Cục TDTT sẽ tham khảo ý kiến từ các Liên đoàn Thể thao quốc gia, cũng như chuyên viên phụ trách bộ môn để xây dựng lịch thi đấu sơ bộ. Lịch này bao gồm các giải đấu trong nước và quốc tế, đi kèm thời gian, địa điểm tổ chức theo dự kiến.

Nói cách khác, Cục TDTT chia đầu việc phụ trách, quản lý cho các chuyên viên phụ trách bộ môn (trước đây là Trưởng bộ môn). Mỗi người đảm nhiệm 1-2 môn, đồng thời có trách nhiệm báo cáo cho một số Phó Trưởng phòng Thể thao Thành tích cao (trước đây là Phó Vụ trưởng).

Với mô hình này, những người nắm sâu sát nhất về mặt chuyên môn của một môn thể thao là chuyên viên phụ trách bộ môn. Trước khi chuyển sang công tác quản lý, họ thường là HLV đội tuyển quốc gia, hoặc HLV trưởng tại các địa phương. Những chuyên viên tốt nhất sẽ có cơ hội thăng tiến lên các cấp độ quản lý cao hơn tại Cục TDTT. Trên cơ sở Lịch thi đấu sơ bộ được Cục TDTT ban hành, chuyên viên phụ trách bộ môn sẽ phối hợp cùng Liên đoàn Thể thao quốc gia nhằm tìm địa điểm đăng cai, tổ chức giải. Những địa phương được chọn thường là nơi đáp ứng được một số tiêu chí phù hợp được đưa ra.

Thứ nhất, địa phương đó phải có cơ sở vật chất đáp ứng tiêu chuẩn từ Cục TDTT và Liên đoàn thể thao quốc gia. Cơ sở vật chất cơ bản thường là sân vận động, nhà thi đấu. Ngoài ra, Cục TDTT và Liên đoàn thể thao quốc gia còn xem xét đến một nhân tố khác là các tiện ích đi kèm, cũng như giá cả.

Sở dĩ, đơn vị quản lý môn thể thao phải xét đến các tiện ích đi kèm, bởi việc này liên quan đến dự trù kinh phí của các đơn vị tham dự giải. Địa điểm tổ chức có thuận lợi cho việc di chuyển đường dài không? Địa phương có sân bay nội địa hay không? Giá cả ăn uống, thuê phòng nhà nghỉ thế nào?

Những câu hỏi trên là lý do vì sao các giải thể thao thành tích cao trong nước hiếm khi nào tổ chức tại Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là 2 địa phương có chi phí ăn ở đắt đỏ bậc nhất cả nước, nên sẽ gây nhiều khó khăn cho các đơn vị nhỏ, kinh phí hạn hẹp. Họ thường muốn giải đấu tổ chức ở các tỉnh lẻ, nơi tiền lưu trú và ăn uống rẻ hơn.

Điều lệ giải, vì sao quan trọng?

Sau khi tìm được các địa phương có nguyện vọng tổ chức giải, cũng như đáp ứng các tiêu chí trên, ngành thể thao sẽ phối hợp cùng địa phương đó ban hành Điều lệ giải. Bên cạnh việc xác định rõ một số chức danh của Ban tổ chức, Điều lệ giải còn quan trọng với các địa phương tham dự. Đây là cơ sở để họ dự trù kinh phí thi đấu lên cấp trên.

"Với những HLV trưởng ở địa phương, Điều lệ giải giúp chúng tôi sớm xác định giải đấu được tổ chức ở đâu, khi nào. Văn bản này cũng ghi rõ các đơn vị cần tự chuẩn bị những trang bị gì, và phải đóng bao nhiêu tiền như lệ phí thi đấu, bảo hiểm cho VĐV. Kinh phí di chuyển, ăn uống và lưu trú cũng được ước tính trên Điều lệ giải", một HLV chia sẻ.

Tính quan trọng của Điều lệ giải là nguyên nhân giải thích vì sao các địa phương muốn văn bản này được ban hành sớm. Nếu Điều lệ ban hành gấp trước khi giải diễn ra, quá trình xin kinh phí có thể bị nghẽn lại. Khi đó, HLV chính là người phải tạm ứng tiền để các VĐV lên đường thi đấu, sau đó mới gửi hóa đơn cho đơn vị chủ quản.

Những câu chuyện bớt xén tiêu chuẩn của VĐV ở đội tuyển bóng bàn trẻ, hay đội tuyển thể dục dụng cụ nữ vừa qua không đại diện cho thể thao Việt Nam. Trên thực tế, các HLV, hay chuyên viên phụ trách bộ môn thường là người có điều kiện kinh tế tốt. Họ "chơi" thể thao theo đúng nghĩa, và chi không ít tiền để hỗ trợ VĐV mang về thành tích tốt cho đơn vị chủ quản.

Một trong những ví dụ điển hình nhất cho việc "chịu chơi" là của đội Boxing nữ Thái Bình. Mới đây, VĐV Vũ Thị Thơm đã tham dự giải vô địch Boxing U22 và trẻ châu Á 2024 bằng kinh phí tự túc. Người đảm bảo khoản kinh phí trên dưới 100 triệu đồng không phải Cục TDTT hay Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Thái Bình, mà là gia đình VĐV và HLV trưởng.

Trong khuôn khổ một giải thể thao thành tích cao, điều tối kỵ là Điều lệ thay đổi giờ chót vì nó sẽ làm tăng kinh phí ngoài dự tính của các đội.

Kinh phí chìm và nổi

Sau khi ban hành Điều lệ giải, các cán bộ ngành thể thao sẽ bàn bạc cùng với địa phương về việc phân bổ kinh phí phải chi. Thông thường, với những môn có Liên đoàn thể thao quốc gia phụ trách, đơn vị này sẽ chi trả tiền thuê sân vận động, nhà thi đấu, tiền làm nhiệm vụ cho trọng tài, bác sĩ và các cán bộ chuyên trách. Hai khoản chi khác xuất hiện tại các giải thể thao quốc gia thời gian gần đây là kinh phí thuê lực lượng y tế và an ninh. Điều này được thực hiện nhằm đáp ứng quy định hiện hành về tổ chức sự kiện thể thao. Vì lý do đó, khán giả luôn thấy xe cấp cứu, cũng như nhân viên an ninh xuất hiện tại các giải thể thao quốc gia.

Điều lệ giải giúp các đơn vị dự trù kinh phí và kế hoạch tập luyện.

Điều lệ giải giúp các đơn vị dự trù kinh phí và kế hoạch tập luyện.

Ở góc độ chuyên môn, việc lực lượng y tế và an ninh thường trực có mặt làm nhiệm vụ là điều cần thiết. Các giải thể thao quốc gia đã ghi nhận không ít trường hợp VĐV gặp chấn thương nặng, hoặc đột ngột bất tỉnh, cần đưa đến bệnh viện. Việc xe cấp cứu có mặt sẽ hỗ trợ tối đa trong công tác di chuyển người bệnh đến trung tâm y tế gần nhất.

Với lực lượng an ninh, họ luôn có việc phải làm, đặc biệt tại các giải đấu võ thuật. Năm 2018, giải Boxing quốc gia tổ chức tại Cần Thơ từng ghi nhận hiện tượng HLV gây rối với giám sát trọng tài, đồng thời có hành vi đuổi đánh trọng tài, đập phá máy tính. Nếu không có cán bộ an ninh làm nhiệm vụ, mọi thứ có thể đi xa hơn. Việc xác định rõ từ đầu các khoản kinh phí giữa Cục TDTT, Liên đoàn thể thao quốc gia và địa phương là việc phải làm. Bởi, trong trường hợp có một khoản kinh phí ngoài dự tính phát sinh, các bên sẽ không tìm được ai sẵn sàng nhận trách nhiệm đứng ra chi trả. Đây là câu chuyện có thật tại một giải thể thao quốc gia. Khi ký hợp đồng thuê nhà thi đấu với địa phương, các bên mặc định sẽ không sử dụng máy điều hòa nhiệt độ tại đây. Tuy nhiên, giải đấu diễn ra đúng cao điểm nắng nóng, nên BTC buộc phải bật điều hòa, khiến chi phí tiền điện phát sinh. Mọi rắc rối bắt đầu từ đây.

Số tiền điện cho dịch vụ sử dụng điều hòa nhiệt độ vào khoảng 10-15 triệu đồng cho 7 ngày thi đấu. Ban đầu, Liên đoàn thể thao quốc gia yêu cầu địa phương trả khoản kinh phí này. Tuy nhiên, địa phương không đồng ý, đồng thời khẳng định Liên đoàn chỉ là tổ chức xã hội nghề nghiệp, không có quyền "chỉ đạo" với cơ quan nhà nước.

Những câu chuyện kể trên chỉ là một phần rất nhỏ trong công tác tổ chức một giải thể thao thành tích cao tại Việt Nam. Sau mỗi giải đấu, các bên liên quan lại có thêm nhiều kinh nghiệm, qua đó làm tốt hơn ở những lần tiếp theo. Đó là sự kế thừa nhằm giúp mỗi giải đấu tốt hơn, hiệu quả hơn.

Vì sao thi đấu võ thuật ngoài trời?

Trong những năm gần đây, Việt Nam ghi nhận ngày càng nhiều giải võ thuật thể thao thành tích cao được tổ chức tại không gian "mở". Thay vì diễn ra trong nhà thi đấu, ban tổ chức sẽ tiến hành các trận đấu ngoài trời. Đó có thể là bãi biển, công viên, quảng trường hoặc khu vực thu hút nhiều người dân đến theo dõi, quan sát.

Xu hướng tổ chức thi đấu võ thuật ngoài trời xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, ban tổ chức muốn có nhiều khán giả đến xem hơn. Đó có thể là những người qua đường vô tình chú ý và theo dõi. Thứ hai, việc này nằm trong hoạt động quảng bá du lịch, văn hóa tại địa phương.

Những đơn vị tiên phong kết hợp tổ chức thi đấu võ thuật với hoạt động văn hóa, du lịch có thể kể đến Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Định, Quảng Ngãi. Các sự kiện, giải đấu chưa diễn ra quá nhiều, nhưng cũng là một dấu hiệu cho thấy nỗ lực của nhà tổ chức trong việc mang đến trải nghiệm mới.

Đằng sau 2 lý do trên là một nguyên nhân khác tế nhị hơn: Kinh phí thuê cơ sở vật chất. So với tiền thuê nhà thi đấu (khoảng 50-70 triệu đồng, thậm chí nhiều hơn cho một giải đấu kéo dài 1 tuần), việc thuê mặt bằng tại công viên, quảng trường sẽ rẻ hơn nhiều. Đó là lý do những giải đấu ngoài trời xuất hiện ngày một nhiều hơn, tiết kiệm hơn.

Đơn Ca

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/kham-pha-quy-trinh-to-chuc-mot-giai-the-thao-thanh-tich-cao-i731258/