Doanh nghiệp khuyên SV Quản trị sự kiện đừng 'đốt cháy giai đoạn' để vững nghề

Trường đại học chú trọng sự tham gia của doanh nghiệp vào việc đào tạo đội ngũ nhân lực Quản trị sự kiện giỏi chuyên môn, vững kỹ năng nghề nghiệp.

Quản trị sự kiện là một trong những ngành học được đánh giá có sự thu hút đối với các bạn trẻ có tính cách năng động, thích khám phá. Tuy nhiên, để theo đuổi và đạt được thành công trong lĩnh vực này, ngoài kiến thức chuyên môn, đòi hỏi nhân sự có thêm nhiều kỹ năng, tố chất.

Đừng "đốt cháy giai đoạn" nếu muốn thành công với ngành Quản trị sự kiện

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Dương Chí Thanh - Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Cánh Cung cho rằng, ngành Quản trị sự kiện đang trong giai đoạn tìm kiếm và bổ sung nguồn nhân lực có chuyên môn, được đào tạo bài bản.

"Mức lương hiện tại cho các bạn mới ra trường dao động từ 7 - 12 triệu đồng/tháng. Sau 2 - 3 năm thì có thể thu nhập tăng lên dựa trên kinh nghiệm, dao động từ 15 - 30 triệu đồng/ tháng, tùy theo vị trí. Có những trường hợp đặc biệt về năng lực và kinh nghiệm thì sau 3 - 5 năm mức thu nhập có thể đạt trên 30 triệu đồng/tháng", ông Dương Chí Thanh chia sẻ.

Tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Cánh Cung, khi tuyển dụng nhân sự sẽ ưu tiên xét duyệt hồ sơ ứng viên học đúng ngành Quản trị sự kiện. Về chuyên môn, yêu cầu ứng viên hiểu quy trình của một sự kiện, kỹ năng sử dụng thành thạo công nghệ hoặc các ứng dụng phần mềm liên quan cần thiết trong công việc. Về trải nghiệm, các ứng viên năng nổ tham gia các hoạt động, sự kiện tại trường, câu lạc bộ, doanh nghiệp... sẽ có thêm điểm cộng. Về ngoại ngữ, yêu cầu ứng viên có thể giao tiếp, đọc hiểu tài liệu chuyên ngành.

Ông Thanh cũng đưa ra một số lưu ý đối với công tác đào tạo nhân lực Quản trị sự kiện, để sau khi tốt nghiệp người học có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Ông cho hay: "Do tính chất của ngành đòi hỏi các bạn ra trường đã được cọ sát với những công việc liên quan trong quá trình học. Thế nên, cơ sở giáo dục cần cho sinh viên tham gia trải nghiệm thực tế thông qua các sự kiện tại trường và doanh nghiệp. Ngoài ra, các trường cũng có thể tổ chức các hoạt động mô phỏng thực tế trong môn học, mời các chuyên gia đầu ngành chia sẻ để các em có thêm góc nhìn thực tế nghề nghiệp".

Quản trị sự kiện có nhiều cơ hội công việc nhưng đòi hỏi nhân sự kiên trì, chịu được áp lực. Ảnh: HUTECH.

Còn ông Đỗ Kiên - Đạo diễn sự kiện, công ty Brandlove Vietnam nhìn nhận, để có mức thu nhập tốt sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị sự kiện, người học cần nắm chắc kiến thức các môn học chuyên ngành. Theo ông Kiên, sinh viên nên làm cộng tác viên, tình nguyện viên tại các sự kiện ngoài. Ngành Quản trị sự kiện có cơ hội việc làm rộng mở, với nhiều nhánh rẽ khác nhau như làm sự kiện âm nhạc, du lịch MICE (hoạt động du lịch kết hợp với hội thảo, hội nghị, khen thưởng, sự kiện) hoặc sự kiện thương mại... Do đó, ngay từ khi còn đi học, các em có thể lựa chọn định hướng nghề nghiệp mong muốn để có mục tiêu theo đuổi.

Ngoài ra, ông Kiên nhấn mạnh: "Ngành Quản trị sự kiện cần sự đam mê và nuôi dưỡng đam mê, không ngại khó, ngại khổ. Thành quả sẽ được gặt khi bản thân của bạn đủ "chín". Đừng bao giờ đốt cháy giai đoạn, vì ngành này cần kinh nghiệm và trải nghiệm nhiều".

Tại Công ty Brandlove Vietnam, thông thường sẽ có các đợt tuyển event producer (nhà tổ chức sự kiện). Với vị trí này, yêu cầu đầu tiên là ứng viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng các ngành, chuyên ngành liên quan đến quản trị sự kiện, tổ chức sự kiện, truyền thông... Bên cạnh đó là các kỹ năng chuyên môn, trách nhiệm với công việc và không ngại học hỏi.

Với công tác đào tạo nhân lực ngành Quản trị sự kiện, để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, theo ông Kiên, điều cần nhất là sinh viên có cơ hội được trải nghiệm thực tế tổ chức các sự kiện.

"Các cơ hội được thực hành hoặc tiếp cận, lắng nghe chia sẻ từ những chuyên gia đi trước sẽ rất hữu ích. Các trường có thể liên kết với doanh nghiệp, tổ chức, chuyên gia trong ngành về tại giảng đường để giúp sinh viên trang bị thêm nhiều kiến thức chuyên môn và nắm bắt được thực tế công việc", ông Kiên cho biết thêm.

Để có thêm thông tin toàn cảnh về công tác tuyển sinh, đào tạo ngành Quản trị sự kiện, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phan Bảo Giang - Trưởng khoa Marketing, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh (UEF) và Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hòa – Phó Trưởng khoa Quản trị Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH).

Chú trọng công tác đào tạo gắn liền với thực hành

Tiến sĩ Phan Bảo Giang cho biết, trong 2 năm gần đây, ngành Quản trị sự kiện của UEF đã tuyển sinh được gần 100 sinh viên, bao gồm sinh viên các ngành khác có đam mê quản trị sự kiện chuyển sang học theo chương trình học song ngành.

Sinh viên trúng tuyển ngành học này được nhận học bổng doanh nghiệp, trị giá 35% học phí cho toàn khóa học, tương đương bốn năm học. Năm 2024, học phí ngành Quản trị sự kiện UEF dao động từ 20 - 22 triệu đồng/học kỳ.

Cũng theo thầy Giang, riêng các hoạt động gắn với quản trị sự kiện, mỗi năm Khoa Marketing đều triển khai các cuộc thi học thuật, hoạt động hội thảo chuyên môn, trực tiếp tham gia làm công tác sự kiện tại trường hoặc các chương trình trình diễn thực chiến bên ngoài cả trong nước và có yếu tố nước ngoài.

Đặc biệt, ngay từ năm thứ nhất, sinh viên ngành Quản trị sự kiện được tham gia học hỏi, cùng làm việc với đội ngũ về sự kiện của các công ty đối tác của khoa, của trường.

Đối với hoạt động gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, thầy Giang cho biết, ngoài tuyển dụng, các đơn vị sử dụng lao động còn phối hợp cùng nhà trường tham gia vào hoạt động chuyên môn như tổ chức các chương trình, hội thảo, workshop, đồng thời góp ý vào công tác xây dựng chương trình đào tạo.

Bên cạnh những thuận lợi trong tuyển sinh, đào tạo, thầy Giang cũng nhìn nhận Quản trị sự kiện vẫn còn là ngành học còn khá mới của trường. Đặc biệt, trong bối cảnh nhân sự các ngành như Marketing hay Truyền thông vẫn có thể làm công tác sự kiện nên việc nhận diện ngành Quản trị sự kiện của UEF nói riêng vẫn chưa được phổ biến.

Sinh viên ngành Quản trị sự kiện. Ảnh: UEF.

Còn tại HUTECH, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ, sau đại dịch Covid-19, các chương trình, sự kiện đã và đang nhanh chóng phục hồi trở lại. Để tổ chức các sự kiện chuyên nghiệp đòi hỏi huy động nguồn lực nhân sự được đào tạo bài bản. Điều này tạo tiềm năng to lớn cho ngành Quản trị sự kiện. Tuy nhiên, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực, hiện nay, nhiều trường đại học đào tạo ngành Quản trị sự kiện nên việc tuyển sinh sẽ có sự cạnh tranh cao.

Mức học phí ngành Quản trị sự kiện tại HUTECH dao động khoảng 18-19 triệu đồng/học kỳ.

Theo cô Hòa, HUTECH luôn chú trọng sự tham gia của doanh nghiệp vào việc đào tạo đội ngũ nhân lực giỏi chuyên môn, vững kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Đối với ngành Quản trị sự kiện, nhà trường thường xuyên tổ chức các chuyến tham quan đến các đơn vị chuyên hoạt động trong lĩnh vực sự kiện để sinh viên quan sát quy trình tổ chức một sự kiện quy mô lớn, cách thức vận hành về công nghệ âm thanh ánh sáng, hiểu tính chất của từng vị trí công việc cụ thể. Những chuyến tham quan thực tế tạo cơ hội để các em mở rộng góc nhìn về ngành nghề, từ đó có những định hướng tốt hơn trong việc lựa chọn công việc phù hợp ở tương lai.

Ngoài ra, trong năm nhà trường cũng tổ chức nhiều ngày hội việc làm giúp sinh viên có cơ hội được giao lưu với nhà tuyển dụng, tham gia nộp hồ sơ ứng tuyển và phỏng vấn tại các gian hàng để nắm bắt những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn.

Mối quan hệ giữa Quản trị sự kiện và Tổ chức sự kiện

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ thêm: Một trong những mục tiêu đào tạo mà nhà trường luôn hướng đến là phát triển toàn diện người học, để sinh viên đủ bản lĩnh và sự linh hoạt, nhạy bén và đảm nhận nhiều vị trí công việc khác nhau trong môi trường đa lĩnh vực. Học Quản trị sự kiện dĩ nhiên điều đầu tiên là sinh viên có khả năng tổ chức sự kiện chuyên nghiệp, đồng thời các bạn cũng hoàn toàn có thể làm những công việc khác nhau tùy theo sở thích và định hướng nghề nghiệp, chẳng hạn chuyên viên ở các nhà hàng, khách sạn, resort hay các công ty truyền thông - quảng cáo.

"Về cơ bản, quản trị sự kiện và tổ chức sự kiện đều cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên liên quan để vận hành một chương trình thành công và mang đến trải nghiệm thỏa mãn nhất cho những người tham dự.

Tuy nhiên, quản trị sự kiện là quá trình lập kế hoạch và quản lý những hạng mục khác nhau trong một sự kiện tổng thể như vận động kinh phí, quản lý tài chính; còn tổ chức sự kiện là quá trình triển khai và điều phối các khía cạnh của một sự kiện đã được lên kế hoạch. Hai khái niệm này có mối liên kết chặt chẽ với nhau, song quản trị sự kiện có tính bao trùm, tổng thể hơn. Do đó, cần phân định một cách rõ ràng hai khái niệm để quá trình phân công công việc và giám sát thực hiện diễn ra trơn tru", cô Hòa nhìn nhận.

Quản trị sự kiện là một ngành học có tính “mở” và năng động rất cao. Ảnh: HUTECH

Còn thầy Giang thì cho rằng, học ngành Quản trị sự kiện không chỉ bó hẹp trong việc tổ chức sự kiện. Ngành học này cung cấp người học kiến thức và kỹ năng rộng hơn, có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm việc sáng tạo và lập kế hoạch tổ chức sự kiện; quản lý dự án sự kiện, quản trị các mối quan hệ trong sự kiện, truyền thông và marketing cho sự kiện; quản trị tài chính, quản trị rủi ro, quản lý nhân sự trong tổ chức sự kiện.

Về điểm khác nhau của hai ngành này, thầy Giang cho hay: "Quản trị sự kiện là một lĩnh vực rộng hơn, bao gồm cả việc tổ chức sự kiện, cũng như các hoạt động phát triển chiến lược sự kiện, quản lý danh mục đầu tư sự kiện, đánh giá hiệu quả của các chương trình sự kiện.

Trong khi đó, tổ chức sự kiện là quá trình lập kế hoạch và thực hiện một sự kiện, bao gồm các hoạt động như: mục tiêu, ngân sách, thời gian, địa điểm, người tham dự, hoạt động, phối hợp với các bên liên quan, quản lý nhân sự, quảng bá, nghiệm thu, báo cáo và đánh giá kết quả của sự kiện.

Nói cách khác, tổ chức sự kiện là tập hợp các hoạt động cụ thể liên quan đến việc thực hiện một sự kiện, trong khi quản trị sự kiện là một lĩnh vực chuyên môn bao gồm việc lập kế hoạch, tổ chức, đánh giá và quản lý các chương trình sự kiện".

Những kỹ năng sinh viên cần có để học tốt Quản trị sự kiện

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hòa đánh giá, Quản trị sự kiện là một ngành học có tính “mở” và năng động rất cao. Sinh viên học ngành này không chỉ được truyền đạt kiến thức tổng quan, chuyên sâu mà còn được trau dồi các kỹ năng chuyên môn như kỹ năng tổ chức và quản lý trước, trong và sau sự kiện; kỹ năng làm việc nhóm, thiết lập quan hệ công chúng; viết kịch bản; kỹ năng giao tiếp, xử lý thông tin; vận động tài trợ… Chính vì vậy, theo cô Hòa, khi theo đuổi ngành học này, bên cạnh kiến thức chuyên môn vững vàng, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp chuyên nghiệp, người học cũng cần phải có những tố chất phù hợp.

Thứ nhất, cần có tư duy sáng tạo, năng động, nhạy bén. Một nhà quản trị sự kiện thành công phải luôn có chất sáng tạo riêng để mang đến những trải nghiệm mới lạ, đa dạng cho khách hàng. Ngoài ra, trong mỗi sự kiện sẽ xuất hiện những tình huống khác nhau, người làm sự kiện phải có sự nhạy bén để ứng phó với vấn đề khi cần thiết.

Thứ hai, tổ chức công việc khoa học, tỉ mỉ, cẩn thận bởi mỗi sự kiện đều có khối lượng công việc rất lớn, do đó bạn phải biết cách xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể, hợp lý, chính xác để hoàn thành sự kiện tốt nhất.

Thứ ba, có khả năng giao tiếp và chịu áp lực tốt. Đây là tố chất cần thiết của một nhà quản lý sự kiện để làm việc và phân công công việc hiệu quả với các bên liên quan. Ngoài ra với khối lượng công việc lớn và nhiều áp lực, người làm sự kiện phải có khả năng chịu sức nặng tốt để gắn bó lâu dài với công việc.

Tiến sĩ Phan Bảo Giang cũng cho rằng, với những bạn trẻ đam mê ngành Quản trị sự kiện cần những tố chất như năng động, sáng tạo, chịu được áp lực cao, có khả năng tổ chức và sắp xếp công việc...

"Những bạn có sự chỉn chu, kỹ lưỡng, biết quan sát, có tinh thần trách nhiệm sẽ có cơ hội cao để thành công trong ngành này. Ngoài các tố chất, trong quá trình học tại trường, người học được đào tạo kỹ năng và nghiệp vụ nghề như lập kế hoạch, thuyết trình, thiết kế, sáng tạo, xử lý tình huống và ứng dụng công nghệ", thầy Giang cho biết thêm.

Ngoài ra, để có thể tạo điều kiện thuận lợi trong tuyển sinh, đào tạo ngành Quản trị sự kiện thầy Giang kiến nghị đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin về ngành học này.

Thầy Giang chia sẻ: "Các trường đại học nói chung, UEF nói riêng có thể phối hợp với các trường trung học phổ thông để tổ chức các buổi workshop/ talkshow, tham quan, trải nghiệm thực tế về ngành Quản trị sự kiện để giới thiệu ngành học đến học sinh.

Về đào tạo, cần mở rộng môi trường kiến tập, thực tập ra thị trường quốc tế để sinh viên có cơ hội áp dụng kiến thức đã học vào thực tế và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp. Phát triển chương trình đào tạo liên ngành như hiện nay để sinh viên có được kiến thức và kỹ năng đa dạng, đáp ứng yêu cầu đa năng của công việc tổ chức sự kiện trên thị trường lao động".

Thi Thi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/doanh-nghiep-khuyen-sv-quan-tri-su-kien-dung-dot-chay-giai-doan-de-vung-nghe-post242704.gd